Chấn thương lách thường do đụng dập vào ổ bụng. Bệnh nhân thường bị đau bụng, đôi khi lan lên vai, và có cảm ứng phúc mạc. Chẩn đoán bằng CT hoặc siêu âm. Điều trị bằng theo dõi và đôi khi cần phẫu thuật; hiếm khi cần cắt lách
Nội dung
Tổng quan bệnh Chấn thương lách
Chấn thương lách là tình trạng thường gặp nhiều nhất trong các ca chấn thương bụng kín do tai nạn giao thông, té ngã hoặc va chạm khi chơi thể thao, bị hành hung. Vỡ lách thường gây chảy máu vào ổ bụng, mức độ chảy máu tùy thuộc vào cơ chế chấn thương và độ vỡ nặng nhẹ
Có tới 60% bệnh nhân chấn thương lách không có thương tổn kèm theo chứng tỏ mức độ dễ thương tổn của lách
Tỷ lệ tử vong do vỡ lách chung là 10% trong 48 giờ đầu nếu chấn thương nặng có kèm chấn thương sọ não và nhiễm trùng, riêng chấn thương lách đơn độc tỷ lệ này chỉ là 1%
Nguyên nhân bệnh Chấn thương lách
- Do những tổn thương ở phía bên trái của cơ thể được gây ra bởi một đòn đánh vào bụng trên bên trái hoặc thấp hơn ngực trái, tai nạn trong thể thao, tai nạn xe hơi. Lá lách bị chấn thương có thể vỡ ngay hoặc trong một số trường hợp là vài ngày hay cả tuần sau khi chấn thương
- Vỡ lách do lá lách mở rộng: bắt nguồn từ sự tích tụ tế bào máu trong lá lách gây ra bởi bạch cầu đơn nhân và các bệnh nhiễm trùng khác, bệnh gan hoặc ung thư máu
Triệu chứng bệnh Chấn thương lách
Các biểu hiện thường gặp của một chấn thương lách bao gồm:
- Đau ở phần trên bên trái của bụng, đau tự nhiên hoặc khi chạm vào
- Bệnh nhân hoa mắt, lẫn lộn, ngất xỉu xuất hiện sau một chấn thương vùng bụng-ngực trái
- Vùng bụng trên bên trái có thể có vết thương chảy máu hoặc không có vết thương nhưng không loại trừ chảy máu trong ổ bụng do vỡ lách
Đối tượng nguy cơ bệnh Chấn thương lách
- Chấn thương lách xảy ra khi có một lực tác động đủ mạnh vào vùng bụng-ngực bên phía lách hoặc chấn thương ở một khu vực khác nên những người có nguy cơ cao là người sau tai nạn giao thông, bạo hành hoặc chấn thương gặp trong thể thao
- Ngoài những tác động trực tiếp từ bên ngoài, chấn thương lách có thể gặp ở các bệnh nhân có bệnh lý toàn thân như nhiễm trùng, bệnh gan hoặc tế bào máu tích tụ quá mức ở lách do ung thư máu
Phòng ngừa bệnh Chấn thương lách
- Sau các chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động hay tai nạn trong thể thao, có các triệu chứng đau vùng bụng-ngực trái cần đi đến cơ sở y tế để kiếm tra toàn diện để phát hiện chấn thương lách hoặc các biến chứng khác để được điều trị và xử trí kịp thời
- Nếu đã được chẩn đoán lá lách mở rộng, cần tránh các hoạt động có thể gây ra lá lách bị vỡ như tránh những môn thể thao và các hoạt động làm tăng nguy cơ chấn thương bụng trong vài tuần
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Chấn thương lách
Bệnh nhân vào viện trên bệnh cảnh chấn thương bụng kín hoặc đa chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc sinh hoạt. Bệnh nhân có triệu chứng toàn thân – biểu hiện sốc mất máu như:
- Da, niêm mạc xanh xao, vẻ mặt vật vã hốt hoảng hoặc lừ đừ, đổ mồ hôi, tay chân lạnh
- Mạch nhanh, huyết áp hạ, thở nhanh nông, tĩnh mạch cổ xẹp và thiểu niệu
Các triệu chứng tại vùng bụng:
- Đau bụng vùng hạ sườn trái, đau lan ra xa khắp bụng, lan lên
- Da vùng chấn thương bị xây xát, bầm dập
- Dấu Balance (+): Khối đầy ở hạ sườn hay hông trái, gõ đục hạ sườn trái
- Ấn đau các xương sườn
- Bụng chướng, ấn đau khắp bụng kèm phản ứng thành bụng
- Thăm khám trực tràng cùng đồ Douglas phồng đau
- Chọc dò ổ bụng thấy có máu loãng không đau
Xét nghiệm cận lâm sàng
- Công thức máu: hồng cầu, Hct giảm, bạch cầu tăng
- X-quang ngực không chuẩn bị: Cơ hoành trái đẩy cao, bóng lách to, mở tiểu khung, có thể thấy gãy các xương sườn trái và mở rộng khoảng gian sườn cận phúc mạc- đại tràng xuống
- Siêu âm chấn thương lách là phương tiện chẩn đoán sớm nhất: thấy được dịch trong ổ bụng ở khoang Morrison và rãnh đại tràng trái, thấy đường vỡ lách và bóng lách to hơn bình thường, hình ảnh tụ dịch quanh lách, tụ dịch dưới bao
- CT Scanner bụng là phương tiện tốt nhất đánh giá tổn thương lách cùng phân độ vỡ lách.
Phân độ chấn thương lách theo AAST (Hiệp hội Ngoại chấn thương Hoa Kỳ), 1964 gồm 5 mức độ:
Chấn thương lách độ 1:
- Tụ máu dưới vỏ không lớn hơn 10% diện tích bề mặt
- Vết rách vỏ nhỏ hơn 1cm chiều sâu
Chấn thương lách độ 2:
- Tụ máu dưới vỏ từ 10-50% diện tích bề mặt
- Có tụ máu trong nhu mô lách, kích thước <5 cm
- Vết rách sâu 1-3 cm nhưng không tổn thương các bè mạch máu
Chấn thương lách độ 3:
- Tụ máu dưới vỏ hơn 50% diện tích bề mặt hoặc khối máu tụ dưới vỏ hay máu tụ nhu mô vỡ và đang lan tỏa
- Tụ máu trong nhu mô lách kích thước >5cm hoặc đang lan tỏa
- Vết rách sâu hơn 3cm hoặc gây tổn thương bè mạch máu
Chấn thương lách độ 4:
- Vết rách gây tổn thương các mạch máu phân thùy hoặc rốn lách
- 25% lách bị thiếu máu nuôi
Chấn thương lách độ 5:
- Vỡ lách hoặc chấn thương nghiêm trọng mạch máu rốn lách
Các biện pháp điều trị bệnh Chấn thương lách
Có 3 phương pháp điều trị phổ biến hiện nay tùy thuộc vào mức độ chấn thương lách
Phương pháp phẫu thuật cắt lách
Chỉ định khi:
- Vỡ lách gây xuất huyết nội, bệnh nhân có sốc và nguy cơ tử vong
- Lách vỡ độ 5
- Có thương tổn phối hợp và nhiễm trùng
- Lách bệnh lý, bệnh nhân có rối loạn đông máu
- Điều trị bảo tồn thất bại
Phương pháp phẫu thuật bảo tồn lách
- Khâu lách khi lách vỡ độ 1,2,3 có đường vỡ đơn giản
- Cắt một phần hay bán phần lách trong vỡ lách độ 3 có đường vỡ phức tạp và độ 4
- Bọc lách trong rọ Dexon
Phương pháp bảo tồn lách theo dõi không mổ
- Chỉ định khi tổn thương lách đơn thuần, vỡ lách độ 1,2 và bệnh nhân có tổng trạng ổn, không có rối loạn đông máu và ít dịch ổ bụng, bệnh nhân dưới 55 tuổi
- Theo dõi tại phòng cấp cứu của khoa, khám lâm sàng mỗi 4-6 giờ, theo dõi Hemoglobin và dùng CT Scanner sau 48-72 giờ khi có thay đổi huyết động
- Lấy mẫu xét nghiệm máu tận nơi, thủ tục nhanh gọn chỉ vài phút
- Điều trị và phục hồi di chứng sau chấn thương sọ não bằng cách nào?
- Bệnh lỵ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Các biện pháp chẩn đoán bệnh Áp xe não do amip? Cách điều trị và phòng ngừa bệnh ra sao?
- Áp xe não: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị