Hạ canxi máu là nồng độ calci huyết thanh < 8,8 mg/dL (< 2,20 mmol/L) trong khi nồng độ protein huyết tương bình thường hoặc nồng độ canxi ion hóa trong huyết thanh < 4,7 mg/dL (< 1,17 mmol/L). Nguyên nhân bao gồm suy cận giáp, thiếu vitamin D, và bệnh thận. Các biểu hiện bao gồm rối loạn cảm giác, tetani, và, khi trầm trọng, động kinh, bệnh não và suy tim. Chẩn đoán bao gồm định lượng canxi huyết thanh có hiệu chỉnh với nồng độ albumin huyết thanh. Điều trị là sử dụng canxi, đôi khi với vitamin D.
Nội dung
Tổng quan bệnh Hạ canxi máu
Vai trò của canxi trong cơ thể
Canxi là một trong những khoáng chất quan trọng đối với cơ thể. Canxi tham gia vào hoạt động co cơ, dẫn truyền thần kinh, quá trình đông cầm máu, và giải phóng hormon của cơ thể.
Sự ổn định nồng độ canxi phụ thuộc vào 3 yếu tố: lượng canxi được đưa vào cơ thể mỗi ngày (qua hoạt động ăn, uống các thực phẩm có chứa canxi), sự hấp thu canxi tại ruột và sự bài tiết canxi ở thận. Theo khuyến cáo, cơ thể người trưởng thành cần được cung cấp khoảng 1000mg canxi/ngày, khi đó sẽ có khoảng 200-400mg canxi được hấp thu tại ruột, khoảng 200 mg canxi bị đào thải qua mật và các dịch tiêu hóa, lượng còn lại theo phân thải ra ngoài. Ngoài ra, cũng khoảng 200mg canxi được bài tiết qua thận. Có đến 99% lượng canxi trong cơ thể được dự trữ tại xương, chỉ có 1% canxi ở dạng tự do – đóng vai trò như một hệ đệm, có thể trao đổi với dịch ngoại bào để điều chỉnh nồng độ canxi máu khi cần thiết. Bình thường, nồng độ canxi máu nằm trong khoảng từ 8.8 đến 10.4 mg/gl (2.2-2.6 mmol/l)
Hạ canxi máu là gì?
Hạ canxi máu, hay còn gọi là hạ canxi đường huyết là tình trạng nồng độ canxi máu có giá trị thấp hơn giới hạn bình thường. Nói một cách chính xác, hạ canxi máu được định nghĩa khi nồng độ canxi huyết thanh toàn phần thấp hơn 8.8 mg/dl (2.2 mmol/l) với điều kiện protein huyết tương bình thường, hay nồng độ canxi ion hóa dưới 4.7 mg/dl (1.17mmol/l). Hạ canxi máu gây ra những triệu chứng ở trẻ em và người lớn. Tình trạng còi xương, chậm phát triển chiều cao, hay khóc đêm, vã mồ hôi trộm,… là những dấu hiệu thường gặp ở trẻ bị thiếu canxi máu. Còn ở người lớn thì sự tụt giảm nồng độ canxi trong máu có thể gây ra loãng xương, thoái hóa cột sống,…
Nguyên nhân bệnh Hạ canxi máu
- Cung cấp canxi không đủ: trẻ em giai đoạn phát triển nhanh, phụ nữ có thai hay phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ là những đối tượng có nhu cầu canxi cao, nếu không được bổ sung canxi đầy đủ thì có thể xảy ra tình trạng hạ canxi máu.
- Suy tuyến cận giáp: giảm hormon PTH dẫn đến hạ canxi máu, tăng phospho máu, có thể đưa đến triệu chứng mạn tính của hạ canxi máu. Thiểu năng tuyến giáp có thể là hậu quả của sự nhầm lẫn trong phẫu thuật cắt tuyến giáp.
- Thiếu vitamin D: việc cung cấp không đủ Vitamin D hoặc tình trạng ruột kém hấp thu có thể là nguyên nhân của hạ canxi máu. Tác dụng phụ của một số thuốc như phenobarbital, rifampicin,… hoặc ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng có thể gây ra rối loạn chuyển hóa Vitamin D, dẫn đến hạ canxi máu.
- Thiếu Magnesi: Ruột kém hấp thu, nghiện rượu,… có thể là khiến cho nồng độ Magnesi trong máu giảm. Tình trạng hạ Magnesi máu liên quan đến sự thiếu PTH tương đối và gây ra các triệu chứng của hạ canxi máu.
- Bệnh lý tại thận: Các bất thường tại ống thận như hội chứng Fanconi, chứng nhiễm toan ống lượn xa có thể là nguyên nhân gây mất canxi qua thận hay giảm chuyển hóa Vitamin D. Hạ canxi máu cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân suy thận, đó là hậu quả của việc tổn thương các tế bào thận gây giảm tổng hợp 1,25(OH)2D3 hay do thận giảm bài tiết phosphate gây tăng chất này trong máu.
- Viêm tụy cấp: tổ chức tụy bị viêm giải phóng nhiều sản phẩm phân hủy mỡ, tạo chelate với canxi, làm giảm nồng độ canxi trong máu.
- Hạ protein máu: làm giảm lượng canxi gắn với protein, nhưng lượng canxi ion hóa không đổi, nên không biểu hiện triệu chứng hạ canxi máu trên lâm sàng (hạ canxi máu giả tạo).
- Các nguyên nhân khác: Nhiễm trùng huyết, tăng tiết calcitonin, tăng phản ứng tạo chelat trong lòng mạch, tăng phosphate máu, do thuốc, tăng lắng canxi ngoài lòng mạch,…
Triệu chứng bệnh Hạ canxi máu
Trẻ em bị hạ canxi máu có thể biểu hiện các triệu chứng sau:
- Kích thích hoặc ngủ gà, chậm chạp.
- Bỏ bú, chán ăn.
- Tăng phản xạ gân xương (dấu Chvostek: gõ vào vị trí thần kinh mặt – trước gờ tai ngoài 2cm, thấy các cơ mặt cùng bên co lại)
- Co rút cơ (dấu Trousseau: cuốn băng huyết áp ở cánh tay và bơm cao hơn huyết áp tâm thu 20mmHg, giữ mức áp lực này trong 3 phút, dấu Trousseau dương tính khi thấy thấy dấu hiệu “bàn tay người đỡ đẻ”).
- Co giật, run.
Người lớn thì các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Tăng phản xạ gân xương (dấu Chvostek).
- Co thắt cơ (dấu Trousseau).
- Chuột rút.
- Co giật.
- Rối loạn nhịp tim.
- Rối loạn cảm giác bàn tay, bàn chân.
- Đau thắt bụng.
- Trầm cảm.
Hạ canxi máu cấp
Trên lâm sàng, hạ canxi máu cấp thường được biểu hiện dưới dạng cơn Tenany. Các dấu hiệu đặc trưng của một cơn Tetany bao gồm: dị cảm ở môi, lưỡi, đầu chi, dấu bàn đạp (bàn chân duỗi như đạp xe), đau cơ toàn thân, co giật các cơ mặt. Cơn Tetany báo hiệu một tình trạng nặng nề của hạ canxi máu, khi nồng độ canxi máu dưới 7 (< 1.75mmol/l).
Ngoài ra, bệnh nhân có thể có các triệu chứng nguy hiểm khác như:
- Co giật.
- Bỏ bú, chán ăn ở trẻ.
- Co thắt cơ
Khi có các biểu hiện nghiêm trọng của hạ canxi máu cấp, bệnh nhân cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Nếu không sẽ để lại các biến chứng nguy hiểm như chậm phát triển ở trẻ nhỏ hay loãng xương, nhuyễn xương ở người lớn.
Đối tượng nguy cơ bệnh Hạ canxi máu
Những người có chế độ ăn thiếu canxi hoặc bị rối loạn trong việc hấp thu, chuyển hóa và bài tiết canxi là những đối tượng nguy cơ của hạ canxi máu. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Rối loạn tiêu hóa.
- Viêm tụy.
- Suy thận.
- Suy gan.
- Rối loạn lo âu.
- Thiếu Vitamin D, thiếu Magne.
- Các rối loạn nội tiết: suy tuyến cận giáp, tăng tiết calcitonin,…
Nguy cơ hạ canxi máu cũng tăng lên ở những đối tượng có nhu cầu canxi cao như trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai,…
Phòng ngừa bệnh Hạ canxi máu
- Một chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ canxi có thể giúp giảm nguy cơ hạ canxi máu. Các thực phẩm giàu canxi có thể kể đến bao gồm các loại hải sản như tôm, cua, sò, mực,… hay sữa và các chế phẩm từ sữa. Chỉ nên bổ sung viên canxi khi có chỉ định của bác sĩ.
- Việc tắm nắng buổi sáng cũng rất quan trọng trong việc chuyển hóa Vitamin D, giảm thiểu tình trạng hạ canxi máu.
- Hạn chế bia rượu, cà phê, muối vì chúng giảm khả năng hấp thu canxi của cơ thể.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hạ canxi máu
- Xét nghiệm nồng độ canxi trong máu: đây là xét nghiệm quan trọng nhất để chẩn đoán hạ canxi máu.
- Kiểm tra tóc, da, cơ bắp: cũng có thể gợi ý tình trạng hạ canxi máu trên bệnh nhân.
- Kiểm tra tâm thần: chứng mất trí, ảo giác, sự nhầm lẫn,… có thể liên quan đến tình trạng hạ canxi máu.
- Khám thần kinh: dấu Chvostek, dấu Trousseau, tình trạng co giật, rối loạn tri giác,… là những biểu hiện của hạ canxi máu.
Các biện pháp điều trị bệnh Hạ canxi máu
Điều trị hạ canxi máu như thế nào?
Hạ canxi máu, đặc biệt là hạ canxi máu không biểu hiện triệu chứng có thể tự hồi phục mà không cần đến điều trị. Bác sĩ sẽ quyết định việc điều trị cho bệnh nhân khi có chẩn đoán hạ canxi máu. Điều trị cụ thể như sau:
- Bổ sung canxi qua đường tĩnh mạch: được chỉ định đối với hạ canxi máu cấp. Đường tĩnh mạch sẽ giúp khôi phục và bổ sung lượng canxi thiếu hụt trong cơ thể một cách nhanh chóng.
- Bổ sung canxi bằng đường uống
- Theo dõi, giám sát của đội ngũ y tế.
- Điều trị bệnh nền: đối với hạ canxi máu do bệnh nguyên trước đó