Nấm da đùi là bệnh lý nhiễm trùng ở da gây ra bởi một loại vi sinh vật đó là vi nấm. Khi đó ở trên da đùi, mông hay bộ phận sinh dục bị nổi những đốm tròn, đổi màu và rất ngứa. Bệnh lý này lành tính và không gây nguy hiểm đến sức khỏe tổng quát của người mắc bệnh. Tuy nhiên nó có thể lây nhiễm và thường xuyên tái phát.
Nội dung
Tổng quan bệnh Nấm da đùi
Nấm da đùi là một bệnh nhiễm trùng da, thường gặp ở những người sống trong môi trường nóng ẩm, vệ sinh cơ thể kém hoặc ở những người sống tập thể hay sử dụng chung các vật dụng cá nhân. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là xuất hiện các phát ban hình vòng cùng cảm giác ngứa, khó chịu xuất hiện ở vùng háng, vùng mông, bên trong đùi và vùng sinh dục.
Nguyên nhân bệnh Nấm da đùi
Bệnh nấm da đùi do một loại nấm tên Dermatophytes gây ra. Loại nấm này phát triển thuận lợi trong môi trường nóng, ẩm ướt. Các nguyên nhân gây ra bệnh là:
- Vệ sinh cá nhân không đảm bảo, không tắm gội thường xuyên, đặc biệt là sau khi chơi thể thao hay lao động nặng nhọc ra nhiều mồ hôi.
- Thường xuyên mặc quần áo ẩm ướt hoặc quần áo bẩn
- Nhiễm nấm từ các bề mặt ẩm ướt như sàn nhà tắm công cộng, nhà vệ sinh công cộng,…
- Tiếp xúc, dùng chung khăn, mặc chung quần áo với người nhiễm bệnh.
- Tiếp xúc với vật nuôi nhiễm nấm dermatophytes.
Triệu chứng bệnh Nấm da đùi
Các triệu chứng thường gặp của bệnh là:
- Cảm giác ngứa nhiều ở vùng bị nấm như ngứa ở bắp đùi, ngứa ở mông, ngứa ở vùng háng, ở bộ phận sinh dục. Vùng da háng và vùng da bị bệnh bị bong tróc, nứt nẻ làm người bệnh khó chịu, khó vận động đặc biệt khi mặc đồ lót chật.
- Xuất hiện các vòng phát ban ở háng, bên trong đùi, mông. Phần trung tâm pháp ban màu đỏ hoặc màu nâu, phần rìa của phát ban có vảy hoặc bướu trông giống vết bỏng rộp. Phát ban thường không xuất hiện ở bìu, dương vật.
- Tình trạng phát ban sẽ nhiều và nặng hơn khi đi bộ hoặc tập thể dục cường độ mạnh.
Đường lây truyền bệnh Nấm da đùi
Bệnh có thể lây khi dùng chung khăn, quần áo hoặc quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh.
Đối tượng nguy cơ bệnh Nấm da đùi
Những người có nguy cơ mắc bệnh cao bao gồm:
- Người sống ở môi trường nóng, ẩm: môi trường nóng ẩm là môi trường thuận lợi cho nấm phát triển gây bệnh.
- Nam giới: tuy bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính nhưng nam giới có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn. Đặc biệt là những người béo phì, có nhiều nếp gấp da, nấm sẽ dễ sinh sôi, phát triển.
- Người thường xuyên mặc quần áo, đồ lót quá chật, người ra nhiều mồ hôi, người không tắm gội thường xuyên.
- Người thường xuyên sử dụng nhà tắm, phòng thay quần áo công cộng, hay sử dụng chung khăn, quần áo với người khác.
Người có hệ miễn dịch yếu thì nguy cơ mắc bệnh nấm da đùi sẽ cao hơn.
Phòng ngừa bệnh Nấm da đùi
Nấm da đùi tuy không phải là một bệnh nguy hiểm nhưng gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu làm ảnh hưởng đến cuộc sống, nếu không điều trị kịp thời có thể gây tổn thương, nhiễm trùng da. Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh nấm da đùi nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tắm rửa mỗi ngày, nhất là sau khi tập thể thao hoặc lao động làm ra nhiều mồ hôi. Nên giữ da khô ráo, nhất là khu vực như vùng háng, vùng mông, các cơ quan sinh dục. Dùng khăn lau khô, có thể kết hợp với phấn rôm, kem chống hăm để chống ẩm.
Tránh mặc quần áo, đồ lót quá chật. Thường xuyên thay quần áo, đồ lót nhất là khi thời tiết nóng, ẩm.
Thường xuyên giặt sạch quần áo, đồ lót, chăn chiếu để ngăn ngừa nấm mốc phát triển. Quần áo phải phơi khô mới được mặt, tránh mặc quần áo dày, bí hơi khi trời nóng ẩm.
Các thành viên trong gia đình hoặc các bạn trẻ sống chung tập thể nên hạn chế sử dụng chung vật dụng cá nhân như khăn, quần áo để tránh lây bệnh cho nhau.
Khi mắc bệnh nấm da ở bàn chân, phải điều trị triệt để nhằm hạn chế nguy cơ lây lên vùng mông bẹn.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nấm da đùi
Chuẩn đoán bệnh nấm da đùi dựa vào vị trí xuất hiện vết ngứa, đặc điểm phát ban, các triệu chứng, tiền sử bệnh của bệnh nhân. Có thể làm xét nghiệm lấy mẫu từ vùng da bị tổn thương để soi tươi, cấy nấm nhằm xác định cụ thể nguyên nhân gây bệnh, từ đó điều trị hiệu quả hơn.
Các biện pháp điều trị bệnh Nấm da đùi
- Bệnh nấm da đùi được điều trị bằng các thuốc chống nấm. Phần lớn các thuốc mang lại hiệu quả tốt khi bôi tại chỗ. Nên sử dụng theo đúng liệu trình điều trị của bác sĩ, không được dừng thuốc ngay khi các triệu chứng giảm vì bệnh có thể tái phát trở lại.
- Nếu tình trạng bệnh không cải thiện sau liệu trình điều trị, bác sĩ có thể kê các thuốc bôi kết hợp với thuốc dùng đường uống.
- Hoại tử chỏm xương đùi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Bệnh chấy rận và những nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe
- Lao hệ tiết niệu sinh dục: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Hạ cam: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Mụn rộp sinh dục: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị