Hội chứng sốc nhiễm độc (TSS) là do các chất độc gây ra bởi tụ cầu hoặc liên cầu Các triệu chứng bao gồm sốt cao, hạ huyết áp, phát ban đỏ lan tỏa, và rối loạn chức năng của nhiều cơ quan, có thể nhanh chóng tiến tới sốc nặng và không hồi phục. Chẩn đoán được thực hiện lâm sàng và phân lập căn nguyên Điều trị bao gồm kháng sinh,hồi sức, và tĩnh mạch globulin miễn dịch.
Nội dung
- Tổng quan bệnh Hội chứng sốc nhiễm độc
- Nguyên nhân bệnh Hội chứng sốc nhiễm độc
- Triệu chứng bệnh Hội chứng sốc nhiễm độc
- Đối tượng nguy cơ bệnh Hội chứng sốc nhiễm độc
- Phòng ngừa bệnh Hội chứng sốc nhiễm độc
- Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hội chứng sốc nhiễm độc
- Các biện pháp điều trị bệnh Hội chứng sốc nhiễm độc
Tổng quan bệnh Hội chứng sốc nhiễm độc
Hội chứng sốc nhiễm độc là gì?
Hội chứng sốc nhiễm độc (toxic shock syndrome- TSS) là một tình trạng nhiễm khuẩn hiếm gặp, các triệu chứng rất đột ngột, nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh. Bệnh gây ra bởi sự giải phóng độc tố từ sự phát triển quá mức của vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) hoặc các vi khuẩn Streptococcus nhóm A.
Hội chứng sốc nhiễm độc thường xảy ra ở những phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là những phụ nữ sử dụng các loại băng vệ sinh siêu thấm. Hội chứng sốc nhiễm độc trở thành tiêu điểm được quan tâm ở Mỹ thời điểm cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, khi một số phụ nữ đã tử vong sau khi sử dụng một nhãn hiệu băng vệ sinh siêu thấm dạng tampon, nhãn hiệu này đã bị loại khỏi thị trường sau đó.
Hơn một phần ba các trường hợp sốc nhiễm độc liên quan đến phụ nữ dưới 19 tuổi và có tới 30% phụ nữ mắc bệnh sẽ tái phát. Bệnh gây ảnh hưởng và suy yếu nhanh chóng các cơ quan, bệnh nhân cần có sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Nguyên nhân bệnh Hội chứng sốc nhiễm độc
Hội chứng sốc nhiễm độc thường gây ra bởi vi khuẩn Staphylococcus Aureus, đây là một trong những vi khuẩn thường gây nhiễm trùng da ở bệnh nhân bỏng và bệnh nhân sau phẫu thuật.
Staphylococcus Aureus có trong âm đạo phụ nữ, trong điều kiện sinh lý bình thường, chúng không gây hại. Tuy nhiên, khi có điều kiện phát triển thích hợp, chúng sẽ phát triển nhanh chóng và giải phóng các chất độc, các chất độc này đi vào máu, gây hội chứng sốc nhiễm độc.
Trong thời kỳ kinh nguyệt, các yếu tố gây thuận lợi cho nhiễm khuẩn là:
- Khi sử dụng các băng vệ sinh có độ thấm hút quá cao sẽ làm cho làm cho âm đạo bị khô, biến đổi pH âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Nếu băng vệ sinh không được thay thường xuyên, chúng sẽ trở thành một nơi lý tưởng để vi khuẩn phát triển. Đặc biệt khi các băng vệ sinh dạng tampon, thường được làm bằng các sợi polyester sẽ cung cấp môi trường phát triển cho vi khuẩn tốt hơn so với các băng vệ sinh làm bằng sợi bông hoặc sợi tơ. Mặc khác, khi trượt tampon vào vị trí trong âm đạo có thể gây ra các vết xước nhỏ trên thành âm đạo, gây vỡ các mạch máu nhỏ, tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào máu.
- Các miếng xốp ngừa thai, các dụng cụ màng ngăn dùng đặt trong âm đạo để ngừa thai cũng có nguy cơ gây sốc nhiễm độc.
Ngoài ra, vi khuẩn có thể xâm nhập gây bệnh qua các vết thương hở trên da, các vết thương khi bị bỏng, sau phẫu thuật, sau khi sinh đẻ,…
Triệu chứng bệnh Hội chứng sốc nhiễm độc
- Ở hội chứng sốc nhiễm độc, nhiều cơ quan trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng cùng lúc. Các triệu chứng chung của bệnh giống như triệu chứng các nhiễm trùng khác như: sưng, nóng, đỏ, đau, cơ thể mệt mỏi. Các triệu chứng này thường xuất hiện sau khoảng 2 ngày bị nhiễm khuẩn.Triệu chứng cụ thể của từng bệnh nhân tùy thuộc vào loại vi khuẩn mà bệnh nhân mắc phải.
- Tác nhân thường gặp nhất là tụ cầu vàng Staphylococcus aureus, khi nhiễm độc tụ cầu vàng sẽ gặp các triệu chứng: sốt cao (thường trên 390 C), lạnh run, đau đầu, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy, đau cơ, xuất hiện các vết bầm tím, nổi mẩn đỏ như cháy nắng khắp cơ thể, khát nước, tim đập nhanh, hạ huyết áp, lượng nước tiểu giảm. Da có thể bị bong thành từng mảnh, thường là ở lòng bàn tay, bàn chân 1-2 tuần sau khi xuất hiện các triệu chứng.
- Hội chứng sốc nhiễm độc do nhiễm khuẩn liên cầu Streptococcus thường xảy ra sau khi mắc thủy đậu, nhiễm trùng da hoặc có hệ thống miễn dịch yếu. Các triệu chứng là đau nhức dữ dội xảy ra đột ngột, sốc do giảm thể tích tuần hoàn, chảy máu, xuất hiện các vết bầm tím, nổi mẫn đỏ như vết cháy nắng xuất hiện khắp cơ thể, huyết áp rất thấp, khó thở, chóng mặt, mệt mỏi, tim đập nhanh. Có thể xảy ra hiện tượng bị bong da như trong hội chứng sốc nhiễm độc do tụ cầu vàng.
Đối tượng nguy cơ bệnh Hội chứng sốc nhiễm độc
Cả nam giới và phụ nữ đều có thể mắc hội chứng sốc nhiễm độc. Nguy cơ cao xảy ra ở:
- Phụ nữ sử dụng các miếng xốp, màng ngăn tránh thai hoặc băng vệ sinh dạng tampon siêu thấm.
- Người có các vết thương hở ở da hoặc bỏng da.
- Người vừa trải qua các đợt phẫu thuật, vừa sinh con
- Người bị nhiễm siêu vi, như cúm, thủy đậu, người có hệ miễn dịch yếu.
Phòng ngừa bệnh Hội chứng sốc nhiễm độc
- Nếu trong thời kỳ kinh nguyệt mà xuất hiện các triệu chứng sốt cao, nôn mửa hoặc tiêu chảy, hãy ngừng sử dụng băng vệ sinh và đến các cơ sở y tế để được thăm khám, để xác định là có mắc hội chứng sốc nhiễm độc hay không. Đây là một bệnh nguy hiểm nếu không được điều trị ở giai đoạn đầu nên mọi sự cẩn trọng đều cần thiết.
- Nên lựa chọn loại băng vệ sinh có độ thấm phù hợp với bản thân. Khôn nên sử dụng loại băng vệ sinh có độ thấm hút quá cao vì sẽ gây tăng nguy cơ sốc nhiễm khuẩn, gây khô, loét âm đạo,… Cũng không nên dử dụng loại băng vệ sinh có độ thấm hút kém vì dịch kinh nguyệt sẽ bị ứ đọng, trào ngược, gây nhiễm trùng,…
- Trong thời kỳ kinh nguyệt, nên tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ. Rửa tay trước và sau khi thay băng vệ sinh, nhất là băng vệ sinh dạng tampon.
- Thay băng vệ sinh thường xuyên, khoảng 4-5 giờ/lần. Dùng xen kẽ băng vệ sinh và các tấm lót vải bông khi lượng dịch kinh nguyệt ít. Khi không có kinh không nên dùng băng vệ sinh.
- Chăm sóc kỹ các vết thương hở trên da, các vết bỏng,…Nên khám bác sĩ để được tư vấn, kê đơn thuốc phù hợp. Nếu được chỉ định kháng sinh, phải sử dụng kháng sinh đủ liều, đủ ngày.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hội chứng sốc nhiễm độc
- Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa vào bệnh sử, các yếu tố nguy cơ, các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm máu, nước tiểu, trong một số trường hợp cần phải lấy dịch âm đạo, cổ tử cung và phết họng để phân tích.
- Do hội chứng sốc nhiễm độc có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau, nên trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định chụp cắt lớp (CT), chụp X-quang ngực, chọc dò tủy sống để đánh giá mức độ bệnh
Các biện pháp điều trị bệnh Hội chứng sốc nhiễm độc
Đây là một bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, bệnh nhân cần phải được nhập viện sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Bệnh nhân thường được chỉ định kháng sinh trong khi bác sĩ tìm kiếm, xác định nguồn lây nhiễm. Chỉ định các thuốc để ổn định huyết áp trong trường hợp huyết áp thấp, truyền dịch để điều trị mất nước. Tùy theo các triệu chứng của từng bệnh nhân, mà sẽ có chỉ định thuốc điều trị riêng phù hợp.
- Bệnh nhân sẽ được chỉ định thở oxy và thông khí cơ học nếu bị suy hô hấp. Các độc tố từ vi khuẩn tụ cầu vàng và liên cầu Streptococcus có thể gây hạ huyết áp kèm suy thận, trong trường hợp này, bệnh nhân có thể được chỉ định chạy thận.
- Khi đã qua giai đoạn nguy hiểm, các triệu chứng được kiểm soát, bệnh nhân vẫn phải duy trì sử dụng các thuốc được kê đơn, có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi phù hợp, phải vận động, tập luyện từ từ để trở về cuộc sống bình thường.
- Khái niệm, nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa bạch hầu thanh quản
- Thay băng, cắt chỉ đúng cách để không dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc
- Áp xe não: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị bệnh bạch cầu cấp
- Đa hồng cầu nguyên phát: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị