Tương tự các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể, thực quản cũng có nhiều khả năng bị thương tổn. Một trong những vấn đề thường gặp tại đây là loét thực quản. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ kéo theo nhiều biến chứng phức tạp hoặc thậm chí là gây tử vong.
Nội dung
Tổng quan bệnh Loét thực quản
Thực quản là ống nối cổ họng với dạ dày, ống dẫn thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Loét thực quản là một dạng loét trong hệ thống tiêu hóa- tổn thương các mô của thực quản. Đây là bệnh mà nguyên nhân chủ yếu do hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản lâu ngày gây nên. Viêm thực quản là giai đoạn ban đầu của viêm loét thực quản gây đau đớn, khó chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đến ăn uống dẫn đến suy nhược cơ thể, đặc biệt nếu loét thực quản để lâu ngày không chữa trị có thể biến chứng thành ung thư thực quản rất nguy hiểm.
Loét thực quản xảy ra khi mất lớp chất nhầy là lớp bảo vệ của thực quản điều này cho phép axit dạ dày và các dịch vị dạ dày khác kích thích dẫn đến loét thực quản.
Nguyên nhân bệnh Loét thực quản
- H. pylori. Thông thường, bệnh loét thực quản gây ra do một loại vi khuẩn gọi là Helicobacter pylori, gọi tắt H. pylori. Các vi khuẩn này phá hủy lớp niêm mạc lót lòng thực quản. Điều này làm cho thực quản dễ bị tổn thương bởi axit dạ dày.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). GERD có thể gây ra bệnh viêm loét thực quản. Những người bị GERD thường xuyên bị trào ngược axit dạ dày. Trào ngược axit xảy ra khi dịch dạ dày di chuyển ngược vào thực quản. Điều này có thể xảy ra khi cơ vòng dưới thực quản (cơ có nhiệm vụ co chặt để ngăn thức ăn trong dạ dày di chuyển ngược) bị suy yếu hoặc hư hỏng nên không đóng khít thực quản được. Những người có hội chứng GERD thường bị axit trào ngược hơn hai lần một tuần.
- Hút thuốc lá, uống rượu quá nhiều
- NSAIDs. Sử dụng thường xuyên các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), như ibuprofen, cũng có thể làm hỏng lớp niêm mạc trong lòng thực quản và gây loét.
- Yếu tố di truyền cũng góp phần gây bệnh này.
- Ăn phải chất ăn mòn. Hay gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể xảy ra ở người trưởng thành bị rối loạn tâm thần, khuynh hướng tự tử hoặc đang lạm dụng rượu.
- Yếu tố tâm lý. Căng thẳng kéo dài cũng góp phần là nguyên nhân gây loét thực quản
Triệu chứng bệnh Loét thực quản
Các triệu chứng phổ biến của loét thực quản là:
- Đau khi nuốt hoặc khó nuốt
- Đau phía sau xương ức (ợ nóng)
- Dạ dày khó chịu (buồn nôn) và nôn
- Ói ra máu
- Đau ngực.
Có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập hoặc chưa có triệu chứng gì tình cờ phát hiện qua nội soi dạ dày thực quản.
Các biến chứng có thể phát sinh do bị loét thực quản bao gồm:
- Chảy máu đường tiêu hóa trên do xuất huyết hoặc thủng
- loét dạ dày tái phát
- Hẹp thực quản
- Ung thư thực quản
- Khó nuốt
- Vỡ thực quản
Đối tượng nguy cơ bệnh Loét thực quản
- Căng thẳng hoặc ăn nhiều thức ăn cay nóng. Hiện nay, nguyên nhân gây loét thực quản được biết đến không phải vậy mặc dù những yếu tố này có thể làm nặng thêm tình trạng viêm loét sẵn.
- Gia đình có người bị loét thực quản hay bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
- Bản thân bị loét dạ dày tá tràng là yếu tố nguy cơ của loét thực quản
- Viêm thực quản tiến triển thành loét thực quản
- HIV và AIDS
- Bệnh đái tháo đường
- Nấm Candida phát triển quá mức
- Herpes simplex virus
- Cytomegalovirus
Phòng ngừa bệnh Loét thực quản
- Thay đổi lối sống: Hạn chế ăn đồ cay nóng, uống rượu bia
- Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng triệt để
- Tránh căng thẳng stress kéo dài
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Loét thực quản
Để chẩn đoán loét thực quản cần dựa vào:
- Tiền sử bản thân
- Các triệu chứng lâm sàng
- Thăm khám: ít giá trị chủ yếu là các triệu chứng cơ năng
- Chẩn đoán chủ yếu dựa vào Nội soi:
- Nội soi cao. Kỹ thuật này dùng để kiểm tra bên trong thực quản, cho phép bác sĩ nhìn ra các vết loét. Trong quá trình nội soi, một ống mỏng, dẻo được gắn với một máy quay nhỏ xíu và đèn ở đầu ống soi. Ống nội soi được đặt vào miệng và luồn xuống thực quản. Các bàn chải nhỏ được luồn qua ống nội soi chải nhẹ và làm bong lớp tế bào niêm mạc thực quản. Các dụng cụ khác cũng có thể được đưa vào cùng ống nội soi để lấy mẫu mô nhỏ (sinh thiết). Những mẫu này được gửi đến một phòng thí nghiệm để kiểm tra.
- Uống bari. Uống bari được thực hiện với chụp X-quang thực quản. Kỹ thuật này giúp bác sĩ kiểm tra vết loét bằng cách cho bạn uống một chất lỏng có chứa bari. Bari bao quanh niêm mạc thực quản và hiển thị rõ thực quản trên phim chụp X-quang. Hiện nay ít thực hiện.
Các biện pháp điều trị bệnh Loét thực quản
Điều trị bệnh loét thực quản phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu viêm loét thực quản gây ra do nhiễm H. pylori, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Nếu viêm loét thực quản là do sử dụng thuốc NSAIDs quá nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định ngừng dùng các thuốc này. Bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc giảm đau khác
Lưu ý: Dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, đúng thời gian, đủ liều lượng đặc biệt nếu có nhiễm HP thì cần hoàn thành liệu trình kháng sinh để vết loét có cơ hội được chữa khỏi hoàn toàn. Ngoài ra tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra loét, bạn có thể cần phải dùng thuốc chống nấm hay kháng virus.
Điều trị khác: Thay đổi lối sống, thói quen ăn uống giúp hạn chế diễn tiến của bệnh loét thực quản, bao gồm
- Tìm cách giảm căng thẳng như tập thể dục hoặc tham gia một lớp yoga
- Ngủ đầy đủ tránh thức khuya
- Chế độ ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế các thức ăn chế biến sẵn hoặc thực phẩm có đường
- Ăn chậm
- Không ăn quá nhiều
- Tránh nằm ngay sau khi ăn
- Ăn nhiều bữa ăn nhỏ
- Nhai kẹo cao su sau bữa ăn để giúp tăng lượng nước bọt và ngăn axit trào vào thực quản
- Giữ tư thế thẳng đứng một vài giờ sau khi ăn
- Nâng đầu giường cao khi ngủ đặc biệt vào ban đêm để tránh trào ngược thực quản vào ban đêm
- Không nên ăn đồ chua, cay, nóng
- Tránh rượu
- Uống nhiều nước
- Không hút thuốc lá
- Giảm cân nếu bạn đang thừa cân
- Hạ cam: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Hẹp thực quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Giãn tĩnh mạch thực quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Co thắt thực quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Hội chứng Zollinger-Ellison: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị