Chứng trầm cảm sau sinh là triệu chứng trầm cảm kéo dài > 2 tuần sau khi sinh và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Nội dung
Tổng quan bệnh Trầm cảm sau sinh
Bệnh trầm cảm sau sinh là trầm cảm xuất hiện sau khi sinh đẻ ở người phụ nữ nhất là trong 3 tuần đầu sau sinh. Tâm lý phụ nữ sau sinh thường bị ảnh hưởng cùng với các tác động bên ngoài gây nên bệnh trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh là một chứng bệnh có thể gặp ở tất cả các phụ nữ sau khi sinh đẻ không chỉ gặp ở lần đầu mang thai mà có thể gặp ở bất kì thời điểm nào, lần mang thai nào. Hàng năm có khoảng 10-20% phụ nữ sau sinh con có biểu hiện của trầm cảm, tỉ lệ này đang ngày càng gia tăng.
Hầu hết phụ nữ sau sinh đều có rối loạn khí sắc, triệu chứng này có thể thoáng qua và tương đối nhẹ, tuy nhiên một số bị rối loạn dai dẳng kéo dài dần dần dẫn đến trầm cảm, ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và con do hành vi tự sát do bệnh trầm cảm gây nên. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị trầm cảm sau sinh là vô cùng quan trọng tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Nguyên nhân bệnh Trầm cảm sau sinh
Hiện nay chưa có một bằng chứng cụ thể nào chỉ ra nguyên nhân chính gây ra trầm cảm ở phụ nữ sau sinh. Đây là một bệnh lý thuộc chuyên ngành tâm thần học không có nguyên nhân rõ ràng đối với tất cả các phụ nữ sau sinh đẻ mà mỗi người sẽ do nguyên nhân khác nhau do sự kết hợp của nhiều yếu tố: tinh thần, thể chất, tâm lý, xã hội.
Một số nghiên cứu cho rằng có một số nguyên nhân gây ra trầm cảm sau sinh như sau:
- Thay đổi nồng độ hormone đột ngột, nhanh chóng: dẫn đến thay đổi trong não bộ, thay đổi về tâm trạng kết hợp với tình trạng suy giảm sức khỏe, thường rơi vào tình trạng thiếu ngủ, không được nghỉ ngơi, liên tục phải đối mặt với áp lực công việc, gia đình dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài dần dần dẫn đến kiệt sức
- Thay đổi tâm lý: phụ nữ sau sinh có sự thay đổi về trách nhiệm bản thân với con cái, gia đình cùng với sự thiếu quan tâm, chăm sóc của người chồng cũng như gia đình gây ra cho phụ nữ những rối loạn cảm xúc rơi vào tình trạng chán nản, mệt mỏi từ đó biểu hiện ra những cảm xúc, hành động không kiểm soát được: khóc lóc, gào thét, tự sát,..
Nguyên nhân thực thể:
- Nhược giáp sau sinh có thể gây nên các triệu chứng của bệnh trầm cảm
- Thiếu vitamin B12 thường gặp sau sinh do nhu cầu dinh dưỡng trong lúc mang thai cao hơn bình thường
- Rối loạn nhiễm sắc thể gen lặn sau sinh cũng có thể gây nên các triệu chứng của trầm cảm
- Một số thuốc: Metronidazol là một kháng sinh thường dùng trong sản khoa và phụ khoa có liên quan đến tác dụng phụ loạn thần. Ngoài ra còn có thuốc đối vận dopamine làm giảm bài tiết sữa gây ra loạn thần, một số thuốc giảm cân ảnh hưởng đến chế độ ăn có tác dụng giống thần kinh giao cảm và có thể gây ra triệu chứng loạn thần.
Triệu chứng bệnh Trầm cảm sau sinh
Các dấu hiệu bệnh trầm cảm sau sinh có thể tồn tại tại một thời điểm nhất định trong ngày hoặc tồn tại dai dẳng cả ngày kéo dài trong một thời gian dài. Các dấu hiệu này bao gồm:
- Cảm thấy buồn rầu, chán nản thậm chí không biết lý do vì sao buồn, luôn trong tình trạng vô vọng, trống rỗng, cảm thấy quá sức về tất cả mọi việc kể cả việc nhẹ
- Biểu hiện của sự buồn rầu, chán nản là khóc thường xuyên, thường khóc một mình, khóc nhiều hơn bình thường thậm chí không biết vì sao lại khóc
- Luôn cảm thấy sợ hãi
- Hay cáu kính: tính khí thất thường, luôn khó chịu và không bằng lòng với tất cả mọi thứ dễ cáu giận, mất kiểm soát
- Mất ngủ: mất ngủ thường xuyên, không thể yên tâm ngủ ngon, ngủ không sâu giấc, dễ thức giấc, có trường hợp lại ngủ quá nhiều
- Giảm khả năng tập trung, khó khăn trong việc đưa ra các quyết định
- Mất quan tâm thích thú: không quan tâm đến bản thân, không còn các sở thích như trước kia
- Ăn rất ít, không muốn ăn, cảm giác không ngon miệng, có trường hợp lại ăn nhiều
- Đau đớn về thể chất và tinh thần, cảm thấy đau mỏi người, nhức đầu, mệt mỏi
- Ngại tiếp xúc với mọi người, xa lánh người thân bạn bè, không muốn gần gũi với con
- Có ý định và hành vi tự sát thậm chí muốn giết chết con mình.
Đối tượng nguy cơ bệnh Trầm cảm sau sinh
Tất cả các phụ nữ sau sinh đều có nguy cơ bị rối loạn khí sắc về trầm cảm, đặc biệt chú ý các đối tượng có nguy cơ cao hơn như:
- Đã từng bị trầm cảm trong khi mang thai, trầm cảm ở lần mang thai trước hoặc bất kì thời điểm nào.
- Trong gia đình có người bị trầm cảm hoặc các bệnh lý tâm thần khác
- Áp lực trong cuộc sống: mất đi người thân, mắc bệnh, mất việc làm
- Con có vấn đề về sức khỏe: quấy khóc, khó khăn khi bú, ít sữa,..
- Khó khăn về tài chính, khó khăn về các mối quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội
- Thiếu sự quan tâm từ gia đình, không ai giúp đỡ chăm con, phụ giúp công việc trong gia đình
- Mang thai ngoài ý muốn
Phòng ngừa bệnh Trầm cảm sau sinh
Tất cả các phụ nữ sau sinh đẻ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như đã từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hay các bệnh tâm thần khác hay những vấn đề tâm lý khác mà người phụ nữ gặp phải. Có thể đề phòng trầm cảm sau sinh không chỉ về phía bản thân người phụ nữ và còn phối hợp với những người xung quanh
Về phía bản thân người phụ nữ sau sinh cần:
- Học cách thư giãn, giải tỏa căng thẳng mệt mỏi
- Không nên áp đặt bản thân làm những việc quá sức, không nên quá kì vọng để trở thành người mẹ hoàn hảo
- Ngủ đủ giấc, tranh thủ nghỉ ngơi khi con đang ngủ
- Dành thời gian chăm sóc bản thân, gặp gỡ bạn bè người thân
Về phía gia đình nên dành thời gian quan tâm chăm sóc người phụ nữ sau sinh đặc biệt là người chồng cần phải luôn luôn lắng nghe cảm thông với người phụ nữ nhất là trong 1 năm đầu sau khi sinh.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Trầm cảm sau sinh
Để chẩn đoán trầm cảm sau sinh, bệnh nhân cần đến khám và gặp bác sĩ chuyên ngành tâm thần học. Chẩn đoán sau khi làm bộ câu hỏi sàng lọc, các biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, dựa vào các yếu tố nguy cơ để phân tầng mức độ bệnh.
Ngoài ra còn được làm một số xét nghiệm giúp định hướng nguyên nhân thực thể gây bệnh trầm cảm sau sinh ở phụ nữ.
Các biện pháp điều trị bệnh Trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không? Thực tế bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng người mẹ và con do hành vi tự sát và làm hại con mình do bệnh trầm cảm gây nên. Là bệnh hoàn toàn có thể chữa được. Vì vậy cần được phát hiện sớm và đưa đến gặp các chuyên gia tâm lý để có hướng điều trị phù hợp và đúng đắn nhất. Cách trị trầm cảm sau sinh bao gồm dùng thuốc và các biện pháp điều trị không dùng thuốc.
Điều trị không dùng thuốc
- Nói chuyện với chuyên gia tâm lý. Bác sĩ sử dụng liệu pháp hành vi nhận tức tức là giúp người bệnh nhận ra và thay đổi suy nghĩ tích cực hơn hoặc liệu pháp tương tác tức là giúp mọi người xung quanh hiểu được và hỗ trợ người bệnh điều trị một cách hiệu quả
- Thư giãn nhiều hơn: Tập thể dục hàng ngày, làm những việc mình thích, thư giãn, tiếp xúc với nhiều người, đi dạo với bé hàng ngày, nghỉ ngơi đầy đủ,ăn các thực phẩm lành mạnh, tránh sử dụng rượu bia …
- Cho con bú nhiều hơn: cho con bú thường xuyên là biện pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả. Tuy nhiên trong trường hợp cần phải dùng thuốc thì phải dừng cho con bú
- Giải tỏa áp lực: Không gây áp lực cho bản thân, không kì vọng quá nhiều vào người khác, không cố gắng để đạt mọi thứ hoàn hảo, không làm những việc vượt quá khả năng của mình
- Tránh cô lập: chia sẻ với chồng, gia đình, bạn bè những suy nghĩ cảm xúc của mình giúp hòa mình trở lại với cuộc sống
Điều trị dùng thuốc
- Việc sử dụng thuốc điều trị trầm cảm mang lại hiệu quả cao tuy nhiên không phải trong trường hợp nào cũng có chỉ định dùng thuốc. Thuốc trầm cảm có tác dụng ức chế lên não bộ, điều chỉnh tâm trạng.
- Sử dụng thuốc cần theo đúng chỉ định của bác sĩ, trong suốt quá trình điều trị cần theo tuân thủ theo bác sĩ.
- Thông báo cho bác sĩ điều trị các tác dụng không mong muốn gặp phải để đưa hướng giải quyết cho từng trường hợp cụ thể.
Một số có trầm cảm sau sinh nặng đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với liệu pháp tâm lý hoặc thuốc, bác sĩ có thể gợi ý điều trị điện (ECT), là phương pháp đưa 1 dòng điện nhỏ truyền vào trong khi bệnh nhân được gây mê toàn thân nhằm kích thích điện làm thay đổi các chất hóa học trong não giúp cải thiện triệu chứng trầm cảm.