Các biến chứng thai sản mà mẹ bầu cần biết khi mang thai

Mang thai là giai đoạn cơ thể của người phụ nữ dễ gặp những biến chứng do sức đề kháng phải cùng lúc bảo vệ cho cả mẹ và bé. Vậy nên những bà bầu cần đề phòng tất cả các biến chứng thai kỳ có thể phát sinh trong suốt 9 tháng mang thai và  lúc sinh nở để có sự chuẩn bị tốt nhất.

biến chứng thai sản
biến chứng thai sản

1. Mang thai ngoài tử cung

Biến chứng thai kỳ mang thai ngoài tử cung là gì ?

Thai ngoài tử cung sẽ không được bảo vệ bởi buồng tử cung. Nếu không điều trị kịp thời, túi thai vỡ sẽ khiến chảy máu ồ ạt vào ổ bụng, gây nguy hiểm tính mạng của mẹ bầu.

Những người phụ nữ mang thai ngoài tử cung cũng có những dấu hiệu như:

  • Ra máu âm đạo
  • Đau vùng bụng dưới và đau lưng
  • Căng tức vùng bụng một bên.

Trường hợp khối thai ngoài tử cung phát triển to, có thể sẽ có triệu chứng rõ hơn như:

  • Đau bụng hay vùng chậu đột ngột, dữ dội
  • Đau vai, toát mồ hôi, choáng váng, chóng mặt và có thể ngất.

Tuy nhiên, những dấu hiệu này chưa đủ để kết luận thai ngoài tử cung hay không. Vì vậy, nếu thấy có một trong những biểu hiện trên nên đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và đưa ra lời khuyên phù hợp. Nếu để thai phát triển to, túi thai vỡ có thể khiến máu tràn ổ bụng, gây nguy hiểm tính mạng của mẹ và thai nhi.

triệu chứng tiền sản giật
triệu chứng tiền sản giật

2. Biến chứng sảy thai

Sảy thai là hiện tượng mất thai trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Đây là vấn đề được các thai phụ đặc biệt quan tâm. Sảy thai có một số triệu chứng khá phổ biến như xuất huyết âm đạo, chuột rút… nhưng những triệu chứng này cũng gặp ở các bệnh khác trong thai kỳ nên rất khó xác định chính xác.

Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sảy thai là:

  • Do sự thay đổi về gen, hoặc biến đổi gen, hoặc đột biến gen
  • Thai phụ có vấn đề ở tử cung như tử cung dị dạng, tử cung có vách ngăn, tử cung nhi hóa…
  • Khi hệ miễn dịch của thai phụ hoạt động quá mức hoặc dưới mức cho phép đều có thể gây sảy thai.
  • Thai phụ bị các bệnh lý nội khoa như bệnh tuyến giáp, cường giáp, nhược giáp. Các bệnh lý đái tháo đường…
  • Phụ nữ bị bệnh đa nang buồng trứng.
  • Khi phụ nữ gặp phải các vấn đề về viêm nhiễm
  • Phụ nữ thường dùng các chất kích thích như: Rượu, bia, thuốc lá, cũng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình mang thai và phát triển của thai nhi.
dấu hiệu sảy thai
dấu hiệu sảy thai

3. Biến chứng thai kỳ tiền sản giật

Tiền sản giật là một hội chứng bệnh lý thai nghén toàn thân do thai nghén gây ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ (từ tuần thứ 20)

Với 3 triệu chứng: Tăng huyết áp, protein niệu và phù.

Tiền sản giật là giai đoạn xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Giai đoạn sản giật có thể kéo dài vài giờ, vài ngày, vài tuần hoặc chỉ thoáng qua tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh.

Đối với mẹ bầu:

  • Phù não, xuất huyết não – màng não.
  • Phù võng mạc, mù mắt.
  • Suy thận cấp.
  • Chảy máu dưới bao gan, vỡ gan, suy gan.
  • Suy tim cấp, phù phổi cấp (gặp trong tiền sản giật nặng).
  • Rối loạn đông – chảy máu, giảm tiểu cầu, đông máu rải rác trong lòng mạch, giảm tiểu cầu.
  • Tăng huyết áp mạn, viêm thận mạn.

Đối với thai nhi:

  • Thai chậm phát triển trong tử cung
  • Thai chết lưu trong tử cung.
  • Sinh non do tiền sản giật nặng.
dấu hiệu tiền sản giật
dấu hiện tiền sản giật

4. Sinh non

Biến chứng thai kỳ sinh non được hiểu là khi em bé chào đời quá sớm. Khi mẹ bầu lâm bồn và sinh ra em bé trong khoảng thời gian từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 37 của thai kỳ thì được gọi là sinh non. Mẹ bầu cần tìm hiểu các nguyên nhân dọa sinh non để phòng tránh tốt nhất có thể.

Trẻ sinh non thường phải đối mặt với các nguy cơ sau sinh như: Suy hô hấp, vàng da bệnh lý, thiếu máu, suy dinh dưỡng, nhiễm khuẩn, xuất huyết não, giảm thính lực, bệnh võng mạc… thậm chí là đột tử. Tuổi thai càng thấp thì nguy cơ càng cao.

5. Biến chứng nhau tiền đạo

Biến chứng thai sản nhau tiền đạo là tình trạng nhau thai không bám hoàn toàn ở mặt trước và sau đáy tử cung như bình thường mà một phần, hoặc toàn bộ bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung.

5.1 Triệu chứng thường gặp :

Dấu hiệu nhau tiền đạo khác nhau tùy vào thể lâm sàng và mức độ nặng nhẹ của bệnh. Tuy nhiên, thai phụ có thể nhận biết hiện tượng này thông qua các triệu chứng khi mang thai gồm:

  • Xuất huyết âm đạo bất thường nhưng không gây đau đớn, có thể thấy ở 3 tháng cuối thai kỳ;
  • Hiện tượng xuất huyết có thể xảy ra tự nhiên và tự cầm đột ngột mà không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng này có thể tái phát sau vài ngày hoặc vài tuần với lượng máu ngày càng tăng;
  • Một số thai phụ có thể đối mặt với tình trạng xuất huyết kèm các cơn đau bụng do tử cung co thắt.

5.2 Biến chứng thai kỳ của nhau tiền đạo nguy hiểm thế nào:

  • Đối với thai phụ: Dễ sinh non. Trường hợp nhau tiền đạo bám gần cổ tử cung. Sau sinh bánh nhau bị bóc tách khiến cổ tử cung hở, vi khuẩn dễ xâm nhập, gây nhiễm trùng. Thậm chí có thể phải cắt bỏ tử cung nếu bánh nhau cài chặt vào cơ tử cung, không tách được khỏi lớp niêm mạc tử cung.
  • Đối với thai nhi: Mẹ bị thiếu máu có thể khiến thai nhi suy dinh dưỡng, suy thai. Khi mẹ xuất huyết quá nhiều, để cứu cả mẹ và thai nhi bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai gấp. Việc bánh nhau thai nằm ở phần dưới tử cung khiến thai nhi khó xoay đầu xuống, dẫn đến tình trạng ngôi thai ngược dễ xảy ra.