Tay chân miệng là bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng để lại nhiều biến chứng cho trẻ. Do đó nhiều phụ huynh rất lo ngại khi bé bị tay chân miệng, trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi và dấu hiệu nhận biết trẻ khỏi bệnh là gì?
1. Tay chân miệng là bệnh gì?
Tay chân miệng là bệnh lý truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra với khả năng lây lan rất nhanh. Đường lây nhiễm chủ yếu của tay chân miệng là tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết hô hấp hoặc phân của người nhiễm virus.
Tay chân miệng dễ xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, do hệ miễn dịch của chưa phát triển hoàn thiện. Tuy nhiên, bệnh truyền nhiễm này vẫn có thể xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên và người trưởng thành. Phần lớn trẻ mắc tay chân miệng sẽ tự khỏi bệnh sau khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp nhiễm virus có kèm theo các biểu hiện bất thường nếu không được điều trị phù hợp sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng, để lại nhiều di chứng như bại liệt, viêm màng não và thậm chí có thể tử vong.
Do Việt Nam có khí hậu nóng ẩm nên bệnh tay chân miệng có thể xảy ra quanh năm. Tuy nhiên, 2 giai đoạn dịch bùng phát do virus gây bệnh phát triển mạnh là tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12. Môi trường nguy cơ cao lây truyền tay chân miệng nhất là nhà trẻ, khu vui chơi trẻ em, công viên…
Tác nhân gây bệnh tay chân miệng bao gồm virus coxsackievirus (phổ biến nhất là chủng A16) và virus Enterovirus 71. Virus gây bệnh tay chân miệng lây lan trực tiếp người sang người, chủ yếu thông qua tiếp xúc với người bệnh hoặc người mang virus, bao gồm:
- Tiếp xúc với dịch từ mụn nước bị vỡ;
- Tiếp xúc với phân của người nhiễm bệnh;
- Tiếp xúc với nước bọt hoặc nước mũi sau khi người bệnh ho hoặc hắt hơi;
- Tiếp xúc trực tiếp với tay chưa rửa sạch hoặc qua các bề mặt mà người bệnh đã từng tiếp xúc trong thời gian ngắn.
2. Dấu hiệu trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Trước khi tìm hiểu dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng, chúng ta cần nắm được các giai đoạn của bệnh lý nguy hiểm này:
- Giai đoạn ủ bệnh: Virus gây bệnh tay chân miệng có thể ủ bệnh trong khoảng 3-7 ngày mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào;
- Giai đoạn khởi phát: Kéo dài khoảng 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, trẻ biếng ăn kèm mệt mỏi hơn bình thường, một số bé có thể tiêu chảy;
- Giai đoạn toàn phát: Kéo dài từ 3-10 ngày với những biểu hiện điển hình của tay chân miệng như:
- Loét miệng: Niêm mạc của trẻ bắt đầu xuất hiện các vết loét đỏ, có thể kèm theo phỏng nước đường kính khoảng 2-3mm. Vết loét có thể bội nhiễm gây đau và dẫn đến việc trẻ bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt;
- Sang thương ngoài da điển hình là các nốt phát ban dạng phỏng nước ở các vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Các tổn thương này tồn tại tại dưới 7 ngày, khi lành để lại vết thâm và hiếm khi bội nhiễm;
- Sốt nhẹ, những trẻ sốt cao gợi ý có thể có các biến chứng của tay chân miệng;
- Giai đoạn toàn phát ở một số trường hợp có thể kèm theo biểu hiện của các biến chứng nguy hiểm như thần kinh, tuần hoàn hoặc hô hấp;
- Giai đoạn lui bệnh: Nhiều phụ huynh thắc mắc trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi? Theo diễn tiến bình thường của bệnh, sau giai đoạn toàn phát mà không xảy ra biến chứng nguy hiểm thì trẻ sẽ bước vào giai đoạn lui bệnh kéo dài 3-5 ngày, dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng là tổng trạng bé tốt lên, các triệu chứng hồi phục hoàn toàn và không để lại biến chứng.
Tương ứng với 4 giai đoạn của bệnh, tay chân miệng sẽ được phân chia thành 4 cấp độ từ nhẹ đến nặng như sau:
- Tay chân miệng độ 1: Đây là thể bệnh nhẹ nhất với biểu hiện chỉ bao gồm loét miệng và/hoặc tổn thương trên da;
- Tay chân miệng độ 2a: Trẻ ngoài loét miệng và tổn thương da sẽ kèm theo một trong các dấu hiệu như: giật mình dưới 2 lần trong 30 phút và không ghi nhận lúc khám hoặc sốt cao trên 39 độ C, sốt kéo dài trên 2 ngày, nôn ói nhiều lần, thay đổi tri giác lừ đừ hoặc quấy khóc vô cớ;
- Tay chân miệng từ độ 2b đến độ 3, độ 4: Những cấp độ tay chân miệng này thường nặng hơn, có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
3. Bé bị tay chân miệng phải làm sao?
Tay chân miệng là bệnh lý truyền nhiễm do virus gây ra nên vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu. Nguyên tắc điều trị tay chân miệng hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng đỡ thể trạng, dự phòng và điều trị các biến chứng (đặc biệt là biến chứng suy tuần hoàn, hô hấp).
Các biện pháp giảm triệu chứng tay chân miệng cho bé bao gồm:
- Sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt phù hợp;
- Súc miệng trẻ bằng nước muối ấm pha loãng;
- Cố gắng dành thời gian cho trẻ nghỉ ngơi và chú ý bổ sung nhiều nước;
- Chế độ ăn ưu tiên thức ăn mềm để dễ nuốt, tránh đồ cay nóng, chua, mặn… để tránh loét miệng trầm trọng hơn;
- Tránh sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bệnh, đồng thời cách ly tạm thời trẻ nhiễm bệnh để tránh lây lan;
- Khi có những dấu hiệu bất thường thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp giờ, tránh trường hợp nguy hiểm đến sức khỏe trẻ.
Xem ngay: 3 dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng giai đoạn nặng ở trẻ nhỏ
4. Trẻ bị tay chân miệng độ 1 mấy ngày thì khỏi bệnh?
Trong số các cấp độ của tay chân miệng thì độ 1 là nhẹ nhất, có thể điều trị ngoại trú và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Thông thường trẻ được chẩn đoán tay chân miệng độ 1 cần được tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu tiên để đánh giá tình trạng sức khỏe và chẩn đoán sớm khi có biểu hiện chuyển độ cao hơn.
Mặc dù tay chân miệng độ 1 có thể điều trị và theo dõi tại nhà nhưng phụ huynh không được chủ quan mà phải theo dõi các dấu hiệu sau đây để đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay:
- Trẻ sốt cao trên 39 độ C;
- Thở nhanh, khó thở hoặc thở co kéo cơ hô hấp phụ;
- Giật mình lúc ngủ xảy ra đột ngột;
- Trẻ lừ đừ, quấy khóc liên tục vô cớ hoặc bứt rứt, khó chìm vào giấc ngủ;
- Nôn ói nhiều;
- Trẻ biết đi đột ngột đi loạng choạng hoặc run tay chân;
- Dấu hiệu suy tuần hoàn: da nổi vân tím, tay chân lạnh, người vã mồ hôi;
- Co giật hoặc hôn mê.
Trẻ bị tay chân miệng độ 1 mấy ngày thì khỏi bệnh? Hầu hết các trường hợp trẻ sẽ tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị quá nhiều trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt có thể cần được bác sĩ tư vấn thêm các biện pháp hỗ trợ điều trị hoặc cách chăm sóc tại nhà cho đến khi trẻ khỏi bệnh tay chân miệng hoàn toàn.
5. Phòng tránh bệnh tay chân miệng như thế nào?
Tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây lan virus trong cộng đồng là vô cùng cần thiết:
- Tay chân miệng dễ lây lan ở nơi cộng đồng, đặc biệt những khu vực tập trung đông trẻ như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, các địa điểm vui chơi giải trí cho trẻ em…;
- Thường xuyên vệ sinh cá nhân và luôn rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt sau khi thay quần áo, tã lót hoặc tiếp xúc với phân, nước bọt, phỏng nước của người bệnh;
- Thực hiện tốt vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống cần rửa sạch trước khi sử dụng;
- Người lớn không được mớm thức ăn từ miệng cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc hoặc để trẻ mút tay hay ngậm đồ chơi;
- Không sử dụng chung đồ dùng các nhân của người khác khi chưa được khử trùng;
- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ đồ chơi, vật dụng, sàn nhà đối với gia đình có trẻ nhỏ;
- Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc bệnh nhân hoặc người có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng.
Tóm lại, các bậc cha mẹ cần lưu ý sau giai đoạn toàn phát nếu trẻ vẫn chưa có dấu hiệu khỏi bệnh, tổng trạng trẻ không tốt lên, các triệu chứng không có biểu hiện hồi phục cần nhanh chóng đưa trẻ đến viện để được các bác sĩ hỗ trợ, tuyệt đối không được chủ quan.
Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi được đầu tư bài bản về nhân sự, công nghệ, trang thiết bị, mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng.
- Đội ngũ chuyên gia Nhi hàng đầu : Các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước; hiểu tâm lý trẻ. Dịch vụ toàn diện: Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám – chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,… theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
- Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh – sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư,….
- Chăm sóc chuyên nghiệp: Thấu hiểu tâm lý trẻ, xây dựng không gian vui chơi cho các bé, giúp các bé cảm thấy thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.