Giun tóc là loài sinh trưởng và phát triển thuận lợi ở vùng khí hậu nóng ẩm nhiệt đới. Sinh vật này có chu kì sống trải qua 2 môi trường. Những đặc điểm này hé lộ cho chúng ta thông tin về “nhân vật chính” của bài này: giun tóc – loài giun kí sinh phổ biến và có thể gây ra triệu chứng nguy hiểm cho con người.
Nội dung
Tổng quan bệnh Giun tóc
Bệnh giun tóc là một bệnh nhiễm giun ở đường ruột rất phổ biến, Đây là một loại nhiễm trùng giun phổ biến thứ 3 thế giới, ước tính có khoảng 604–795 triệu người bị nhiễm.
Giun tóc là loại bệnh phổ biến nhất ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Bệnh giun tóc ở người thường lây lan qua đường phân và ăn uống. Việc sinh hoạt thiếu vệ sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Điều kiện thuận lợi nhất để phát sinh bệnh giun tóc đó là khí hậu nóng ẩm, vệ sinh cá nhân không hợp vệ sinh, lối sống còn lạc hậu. Dân ở nông thôn nhiễm cao hơn dân ở thành thị, đặc biệt là dân có tập quán dùng phân người bón ruộng.
Nguyên nhân bệnh Giun tóc
Tác nhân gây bệnh: giun tóc Trichuris trichiura
- Giun tóc có màu hồng nhạt hoặc trắng sữa. Giun cái dài khoảng 30 – 50 mm, giun đực dài 30 – 45 mm. Đuôi giun tóc cái thường thẳng, đuôi giun đực thường cong và có một gai sinh dục.
- Khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài: trứng giun tóc bắt buộc phải có thời gian phát triển ở ngoại cảnh mới có khả năng gây nhiễm cho người. Thời gian để trứng giun phát triển thành trứng mang ấu trùng là 17 – 30 ngày trong nhiệt độ thích hợp 25 – 300C, độ ẩm trên 80% và có oxy. Trứng giun tóc dễ bị hỏng dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời, nhiệt độ trên 500C trứng giun sẽ chết.
- Về mức độ sinh sản, một con giun cái trung bình mỗi ngày đẻ khoảng 5.000-7.000 trứng, nên mức độ tác hại của bệnh rất nghiêm trọng nếu không phát hiện và chẩn đoán cũng như điều trị kịp thời
Nguyên nhân cơ bản nhất khiến mọi người mắc phải bệnh nhiễm giun móc là do ăn phải những thực phẩm, uống nước có chứa trứng giun tóc. Tình trạng lây nhiễm bệnh có thể do ăn phải những đồ ăn không được rửa kỹ và không được nấu chín.
Giun tóc sống ở đâu?
Giun thường được ẩn trong đất, vì vậy nếu trẻ nhỏ chơi ở những khoảng đất có giun và bất cẩn đưa tay lên miệng cũng có khả năng cao nhiễm bệnh.
Triệu chứng bệnh Giun tóc
Tùy vào từng mức độ của nhiễm bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau, cụ thể:
Nhiễm giun tóc ở mức độ nhẹ: đa phần không có những triệu chứng đặc biệt; một số người có thể có triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, táo bón, khó tiêu, nhức đầu, chán ăn…
Nhiễm giun tóc ở mức độ nặng:
- Gây tổn thương niêm mạc ruột tại chỗ, hậu quả dẫn đến hội chứng tiêu hóa giống như hội chứng lỵ (đau bụng, đại tiện nhiều lần, phân ít mỗi lần đi và đôi khi có lẫn máu)
- Thiếu máu, suy nhược cơ thể và giảm cân một cách bất thường…
- Nhiễm giun tóc nặng và kéo dài có thể gây sa trực tràng (rectal prolapse) và nhiễm trùng thứ phát do quá trình sa và loét trực tràng này
- Một số trường hợp khác có thể bị nổi mẩn đỏ, dị ứng
Khi có những triệu chứng trên mọi người nên đến những bệnh viện/ Trung tâm Y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh và đưa ra hướng điều trị kịp thời.
Đường lây truyền bệnh Giun tóc
Ổ chứa: ổ chứa giun tóc là người.
Thời gian ủ bệnh: không rõ ràng. Người nuốt phải trứng giun tóc, khi đến ruột non trứng nở, giải phóng ấu trùng, ấu trùng chui qua thành ruột vào máu, di chuyển đến phế nang phổi và phát triển lớn lên tại phổi, sau đó lên khí quản và được nuốt lại vào dạ dày. Tại manh tràng, ấu trùng phát triển thành giun tóc trưởng thành. Thời gian từ khi nuốt phải trứng có ấu trùng đến khi có các triệu chứng đầu tiên ở phổi từ 5 – 14 ngày.
Thời kỳ lây truyền: là khoảng thời gian sống của giun cái trưởng thành từ khi được thụ tinh. Thời gian từ khi nuốt phải trứng có ấu trùng đến khi giun trưởng thành đẻ trứng khoảng 45 – 60 ngày. Giun cái có khả năng đẻ tới 5.000 trứng/ngày. Đời sống của giun tóc từ 5 – 6 năm nếu không được điều trị
Đối tượng nguy cơ bệnh Giun tóc
Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm giun tóc nếu nuốt phải ấu trùng hoặc trứng giun. Trong đó, nhiễm giun tóc ở trẻ em rất phổ biến do hay chơi ở những khoảng đất có giun và thường bất cẩn đưa tay lên miệng.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm giun tóc bao gồm:
- Xử lý phân, nước thải, rác không đúng quy trình
- Sử dụng phân tươi để bón, tưới cây trồng
- Ăn uống không hợp vệ sinh
- Tiếp xúc với môi trường có trứng giun tóc.
Phòng ngừa bệnh Giun tóc
Để phòng bệnh nhiễm giun tóc hiệu quả, đồng thời hạn chế được những tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe mọi người nên:
- Thường xuyên tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao được ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân/cộng đồng hay bảo vệ môi người nhằm phòng tránh được nguy cơ nhiễm bệnh giun tóc.
- Xây dựng nhà đi đại tiện và tiểu tiện hợp vệ sinh. Tạo cho bản thân được nếp sống vệ sinh cá nhân hợp lý: rửa tay thật sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Ăn chín uống sôi, không nên ăn rau sống khi chưa được rửa sạch.
- Không sử dụng phân tươi để bón cây
- Vệ sinh môi trường sống: thường xuyên phát động những chiến dịch dọn vệ sinh trong cộng đồng dân cư. Hệ thống xử lý nước thải, cống rãnh phải hợp lý không ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt.
- Mọi người nên tẩy giun định kỳ 2 lần/năm và thời gian tẩy giun có thể cách nhau khoảng từ 4 – 6 tháng.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Giun tóc
Hầu hết các bệnh nhân nhiễm bệnh không có triệu chứng, triệu chứng lâm sàng chỉ xuất hiện ở những trường hợp nhiễm nặng, phần lớn tập trung ở trẻ em và đối tượng thường tiếp xúc nhiều chất bẩn nhiễm mầm bệnh. Do vậy chẩn đoán xác định bệnh giun tóc chủ yếu dựa vào xét nghiệm phân để tìm trứng giun tóc.
Các biện pháp điều trị bệnh Giun tóc
Phương pháp điều trị giun tóc đơn thuần: các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc mebendazole và albendazole để điều trị.
Những người nhiễm giun tóc thường cũng nhiễm giun móc và giun đũa nên sẽ được kết hợp điều trị giun tóc và giun móc.
Tuy nhiên trước khi sử dụng những loại thuốc trên bạn cần phải lưu ý các chống chỉ định ở phụ nữ có thai, trẻ em dưới 2 tuổi, suy gan suy thận… Chính vì vậy bạn cần đến khám bác sĩ để được chẩn đoán và được chỉ định phương pháp điều trị đúng đắn và phù hợp nhất.