Hẹp hai lá (HHL) cản trở lưu lượng máu từ tâm nhĩ trái tới tâm thất trái. (Hầu như) nguyên nhân không thay đổi là thấp tim. Các biến chứng thường gặp là tăng áp phổi, rung nhĩ, và huyết khối. Các triệu chứng cơ năng nằm trong bệnh cảnh suy tim; các triệu chứng thực thể bao gồm tiếng mở van đanh và tiếng rung tâm trương. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng và siêu âm tim. Tiên lượng là tốt. Điều trị bao gồm thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi giải phóng chậm, và thuốc chống đông. Điều trị đối với hẹp hai lá mức độ nặng hơn bao gồm nong van hai lá bằng bóng, phẫu thuật sửa van, hoặc thay van.
Nội dung
Tổng quan bệnh Hẹp van hai lá
Quả tim được ví như một cái bơm tống máu đi nuôi cơ thể. Cấu tạo của tim gồm có hai tâm nhĩ và hai tâm thất. Nhĩ phải được ngăn cách với thất phải bởi van ba lá, nhĩ trái ngăn cách với thất trái bởi van hai lá. Trong một chu chuyển tim, máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất qua van hai lá và van ba lá. Sau đó máu sẽ được tâm thất co bóp tống ra động mạch chủ và động mạch phổi. Bệnh lí van tim sẽ làm quá trình tống máu thay đổi, lâu dần sẽ gây suy tim. Bài này sẽ đề cập đến bệnh hẹp van hai lá.
Bình thường trong thì tâm trương, thất trái giãn ra, van hai lá sẽ mở để máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Trong hẹp van hai lá, van không mở hết làm giảm lượng máu xuống tâm thất và ứ lại tại nhĩ trái từ đó máu ứ lại phổi gây ra triệu chứng khó thở trên lâm sàng. Máu ứ tại phổi làm tăng áp phổi, gây suy tim phải. Do vậy hẹp van hai lá gây khó thở giống như suy tim trái nhưng thực chất là suy tim phải.
Hẹp van hai lá gây biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất là phù phổi cấp. Thường xảy ra khi gắng sức, mang thai, nhiễm trùng, truyền dịch nhiều…Biểu hiện khó thở dữ dội,vật vã, kích thích, trào bọt hồng,..Cần xử trí cấp cứu nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Các biến chứng khác có thể gặp là suy tim phải, rung nhĩ (loạn nhịp tim, nguy cơ tắc mạch, nhồi máu não).
Nguyên nhân bệnh Hẹp van hai lá
Có nhiều nguyên nhân bệnh hẹp van hai lá:
- Do di chứng của thấp tim (bệnh van tim hậu thấp). Đây là nguyên nhân phổ biến nhất
- Van hai lá hình dù
- Vòng thắt trên van hai lá
- Lupus ban đỏ hệ thống
- U carcinoid
Triệu chứng bệnh Hẹp van hai lá
- Khó thở: khó thở khi gắng sức, tăng lên khi nằm, có cơn khó thở kịch phát về đêm
- Cơn hen tim và phù phổi cấp: có thể xuất hiện sau gắng sức, bệnh nhân khó thở dữ dội, có thể nghe thấy tiếng rít ở phổi, rale ẩm hai trường phổi, có thể ho ra bọt hồng. Cần xử trí cấp cứu ngay.
- Ho ra máu: do tăng áp lực nhĩ trái làm giãn tĩnh mạch nhỏ của phế quản
- Khàn tiếng: do nhĩ trái giãn to chèn vào dây thanh quản quặt ngược trái
- Khó nuốt: nhĩ trái to đè vào thực quản
- Biến cố tắc mạch: tai biến mạch não, tắc mạch chi… do nhĩ trái giãn, dễ hình thành huyết khối trong buồng tim. Nếu kèm theo rung nhĩ thì nguy cơ tắc mạch cao hơn
- Khám tim có thể nghe thấy tiếng rung tâm trương ở mỏm, tiếng T1 đanh
- Tim có thể loạn nhịp hoàn toàn do rung nhĩ
- Biểu hiện suy tim phải: gan to, phù chân, tĩnh mạch cổ nổi
Đối tượng nguy cơ bệnh Hẹp van hai lá
- Tiền sử thấp khớp cấp
- Mắc các bệnh lí hệ thống
Phòng ngừa bệnh Hẹp van hai lá
Chủ yếu là phát hiện và điều trị triệt để viêm họng do liên cầu, tránh để lại biến chứng
Các biện pháp chẩn đoán
- Siêu âm doppler tim: là phương tiện cần thiết để chẩn đoán xác định. Trên siêu âm doppler tim có thể xác định được diện tích lỗ van, chênh áp qua van, mức độ vôi hóa van, tình trạng hở van đi kèm để quyết định điều trị
- Siêu âm tim qua thực quản: tìm huyết khối ở nhĩ trái, nếu phát hiện huyết khối sẽ không được nong van
- Điện tim: phát hiện các rối loạn nhịp tim, giãn nhĩ trái
- X-quang ngực: hình ảnh cung động mạch phổi nổi, biểu hiện bốn cung ở bờ tim bên trái: cung động mạch chủ, cung động mạch phổi, cung tiểu nhĩ trái, cung thất trái
Các biện pháp điều trị
Điều trị hẹp van hai lá có thể điều trị nội khoa, can thiệp nong van bằng bóng qua da hoặc phẫu thuật thay van
- Điều trị nội khoa:
- Tránh gắng sức
- Có thể dùng thuốc chẹn beta giao cảm nếu tần số tim nhanh để giảm nhịp tim
- Dùng thuốc chống đông kháng vitamin K khi có rung nhĩ, tiền sử tắc mạch, nhĩ trái giãn >55mm hoặc có huyết khối trong nhĩ trái. Duy trì INR từ 2,0-3,0
- Nong van bằng bóng qua da: là biện pháp được sử dụng hàng đầu nếu bệnh nhân có chỉ định can thiệp. Kĩ thuật này sẽ đưa ống thông qua tĩnh mạch đùi vào nhĩ phải rồi chọc qua vách liên nhĩ sang nhĩ trái, đưa xuống van hai lá. Sau đó bóng sẽ được bơm lên để tách hai mép van ra. Chỉ định nong van khi hẹp hai lá khít (diện tích lỗ van dưới 1,5 cm2 ) và có triệu chứng trên lâm sàng, hình thái van phù hợp, không có huyết khối trong nhĩ trái, không có hở van hai lá kèm theo, hoặc hở hẹp van động mạch chủ mức độ vừa nhiều và chưa ảnh hưởng đến chức năng thất trái
- Phẫu thuật: thay van hai lá cơ học hoặc sinh học khi không thể nong van hoặc có chống chỉ định của nong van. Van cơ học bền hơn van sinh học nhưng sau khi thay van cơ học thì phải dùng thuốc chống đông kháng vitamin K suốt đời.
- Hẹp ống sống: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Hẹp động mạch cảnh: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Cơ tim phì đại: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Cơ tim: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Thay băng, cắt chỉ đúng cách để không dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc