Hội chứng ruột kích thích (IBS) được đặc trưng bởi sự khó chịu hoặc đau bụng tái phát với ít nhất hai đặc điểm sau: liên quan đến đi vệ sinh, liên quan đến số lần đại tiện, hoặc liên quan đến sự thay đổi độ cứng của phân. Nguyên nhân chưa rõ, và sinh lý bệnh vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn Chẩn đoán dựa vào lâm sàng. Điều trị triệu chứng, bao gồm quản lý chế độ ăn uống và sử dụng thuốc – thuốc kháng cholinergic và các tác nhân hoạt động ở các thụ thể serotonin.
Nội dung
- Tổng quan bệnh Hội chứng ruột kích thích
- Nguyên nhân bệnh Hội chứng ruột kích thích
- Triệu chứng bệnh Hội chứng ruột kích thích
- Đối tượng nguy cơ bệnh Hội chứng ruột kích thích
- Phòng ngừa bệnh Hội chứng ruột kích thích
- Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hội chứng ruột kích thích
- Các biện pháp điều trị bệnh Hội chứng ruột kích thích
Tổng quan bệnh Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích (tên tiếng Anh là irritable bowel syndrome-IBS) là hiện tượng ruột bị rối loạn chức năng, tái đi tái lại nhiều lần mà khi người bệnh đi khám, làm các xét nghiệm đều không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu cũng như tổ chức sinh hoá ở ruột. Ở Việt Nam, hội chứng ruột kích thích còn được biết đến với tên gọi viêm đại tràng co thắt, viêm đại tràng chức năng hoặc viêm đại tràng mãn tính.
Đây là một trong những bệnh đường ruột phổ biến nhất với tỷ lệ mắc từ 5-20% dân số, tuỳ thuộc vào vùng dân cư. Hội chứng này lành tính, tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại có tác động lớn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân bệnh Hội chứng ruột kích thích
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân chính xác gây nên hội chứng ruột kích thích. Nhưng rất nhiều yếu tố liên quan mật thiết đến bệnh đã được xác định:
- Stress: trạng thái căng thẳng thần kinh do suy nghĩ, lo âu quá nhiều khiến các triệu chứng xuất hiện hoặc biểu hiện nặng hơn.
- Thực phẩm: hội chứng ruột kích thích có thể xuất hiện khi ăn một số thực phẩm nhất định. Điều này tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người.
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hoá.
- Tác dụng phụ khi sử dụng kháng sinh.
- Sự thay đổi nồng độ hormone trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Yếu tố di truyền.
Triệu chứng bệnh Hội chứng ruột kích thích
Triệu chứng hội chứng ruột kích thích bao gồm các thể chính: đau bụng, táo bón và tiêu chảy.
- Đau bụng: Đau không có đặc điểm gì cụ thể, không có vị trí nhất định, có thể đau dọc khung đại tràng, đau nhiều hơn sau khi ăn hoặc đôi khi chưa ăn xong đã có cảm giác đau, khi ăn thức ăn lạ, thức ăn để lâu. Nhiều trường hợp cũng có thể đau do lạnh bụng. Cảm giác đau có thể chỉ diễn biến 1-2 ngày nhưng cũng có thể kéo dài nhiều ngày triền miên, một tháng có thể đau vài lần nhưng cũng có người bệnh nhiều tháng mới đau một lần.
- Táo bón và tiêu chảy: Phân táo thường kèm theo nhầy bọc ngoài phân. Một điểm cần lưu ý là phân trong trường hợp này không bao giờ lẫn máu, nếu có thì chắc chắn không phải là hội chứng ruột kích thích.
Ngoài các triệu chứng chính kể trên, các rối loạn khác có thể gặp phải là:
- Bụng đầy hơi, cảm giác nặng bụng.
- Nhức đầu.
- Mất ngủ.
- Trung tiện nhiều, cảm giác đi chưa hết phân.
Các triệu chứng này không đặc hiệu và thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào chế độ ăn uống. Chẳng hạn, khi ăn các thức ăn không phù hợp sẽ xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa ngay lập tức, nếu kiêng khem thì các triệu chứng sẽ biến mất.
Vì vậy các chuyên gia khuyến cáo khi có các biểu hiện trên, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được khám và làm các xét nghiệm cần thiết, xác định bệnh để được điều trị kịp thời.
Đối tượng nguy cơ bệnh Hội chứng ruột kích thích
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng ruột kích thích bao gồm:
- Những người dưới tuổi 45.
- Những người thường xuyên lo âu, trầm cảm hoặc trong trạng thái tinh thần không ổn định.
- Nữ giới có khả năng mắc hội chứng ruột kích thích cao hơn nam giới hai lần.
- Những người có tiền sử gia đình mắc các bệnh về đường ruột.
Hội chứng ruột kích thích ở trẻ em cũng đang ngày càng phổ biến. Áp lực từ việc thi cử hoặc trầm cảm vì các yếu tố gia đình, xã hội có thể khiến trẻ bị căng thẳng dẫn tới hội chứng ruột kích thích.
Phòng ngừa bệnh Hội chứng ruột kích thích
Vì nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích vẫn chưa rõ ràng nên chưa có nguyên tắc chuẩn mực nào để phòng tránh. Tuy nhiên, có thể thực hiện các phương pháp sau để giảm thiểu nguy cơ:
- Có chế độ ăn uống khoa học: Cố gắng ăn vào thời gian cố định trong ngày và không bỏ bữa.
- Bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ như rau củ quả.
- Tránh các thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ, thực phẩm khó dung nạp lactose, thực phẩm cay.
- Uống nhiều nước.
- Tránh các đồ uống có ga và các chất kích thích như rượu, bia, cà phê.
- Không ăn thức ăn để lâu hoặc điều kiện bảo quản không tốt.
- Không ăn thức ăn khó tiêu, dễ gây đầy hơi: khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả nhiều đường như cam, quýt, xoài, mít.
- Sử dụng thuốc tiêu chảy và thuốc nhuận tràng theo kê toa của bác sĩ.
- Tập thể dục thường xuyên, cố gắng có những vận động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Luyện tập thư giãn, không để bị trầm cảm, lo lắng quá mức.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hội chứng ruột kích thích
Do các triệu chứng không đặc hiệu, hội chứng ruột kích thích được chẩn đoán chủ yếu bằng phương pháp loại trừ. Muốn vậy, bác sĩ cần làm đầy đủ các thăm dò và xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm phân.
- Chụp khung đại tràng.
- Soi trực tràng và đại tràng.
- Sinh thiết trực tràng hoặc đại tràng.
Các biện pháp điều trị bệnh Hội chứng ruột kích thích
Để trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích chế độ ăn uống sinh hoạt là rất quan trọng. Trước tiên cần kiêng khem những thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua, cá và những thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như khoai lang,… Đa số người mắc rối loạn cơ năng đại tràng hay hội chứng ruột kích thích thường bị thiếu lactase (là enzyme phân giải đường lactose) nên cần tránh các loại thức ăn có loại đường này.
Đối với người bị táo bón thì cần bổ sung thực phẩm chống táo, đối với người bị tiêu chảy thì có thể sử dụng các thức ăn đặc dễ tiêu. Khi ăn cần phải nhai kỹ, ăn từ từ, không nên ăn quá no.
Luyện tập đi ngoài ngày một lần vào buổi sáng, có thể xoa bóp bụng trước khi đi ngoài để kích thích gây cảm giác đi ngoài.
Bên cạnh đó, có thể dùng các thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích cụ thể với từng triệu chứng:
- Chống đau: dùng các thuốc chống co thắt loại hướng cơ như Spasfon, Duspatalin,…
- Chống táo bón: dùng các thuốc nhuận tràng như Forlax, Duphalac, Tegaserod,…
- Chống ỉa chảy: Smecta, Imodium, Actapulgite,…
- Chống sinh hơi: Meteospasmyl, Pepsane,…
- Thuốc an thần: Rotunda, Seduxen, Dogmatil,…
- Thuốc triệt khuẩn ruột: tuy vi khuẩn không đóng vai trò quan trọng trong bệnh này nhưng ít nhiều có tham gia, tạo nên vòng luẩn quẩn. Tiêu chảy và táo bón đều tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, khi vi khuẩn phát triển mạnh mẽ sẽ làm tăng tiêu chảy và trướng bụng. Tuỳ thuộc vào mức độ mà có thể dùng các loại thuốc khác nhau: Berberin, Ganidan, Biseptol,..
- Do amip: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Crohn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Cơ tim phì đại: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Hội chứng đau thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Hội chứng Stevens-johnson: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị