Nước mắt rất cần thiết để bào vệ bề mặt nhãn cầu và duy trì thị lực. Với mỗi lần nháy mắt, nước mắt sẽ dàn đều trên bề mặt nhãn cầu. Những người bị khô mắt là do thiếu lượng nước mắt hoặc chất lượng phim nước mắt không tốt.
Mỗi lần nháy mắt, nước mắt sẽ dàn đều trên bề mặt nhãn cầu. Nước mắt sẽ làm bôi trơn bề mặt nhãn cầu, giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn mắt, rửa trôi các dị vật trong mắt và giữ cho bề mặt giác mạc, kết mạc phẳng, sạch sẽ. Khi thừa, nước mắt sẽ chảy theo một hệ thống cống nhỏ ở góc trong của mi mắt gọi là tuyến lệ.
Nội dung
Tổng quan bệnh Khô mắt
Hiện nay, bệnh khô mắt đang là căn bệnh phổ biến, đặc biệt với những người có thời gian ngồi trước màn hình máy tính thường xuyên, trong thời gian dài.
Khô mắt mặc dù không phải căn bệnh nguy hiểm nhưng sẽ để lại nhiều hệ quả về sức khỏe như: mệt mỏi; mắt đỏ, rát; giảm năng suất làm việc. Trong một số trường hợp người bị mắc bệnh khô mắt có thể bị giảm thị lực, nhìn mọi thứ trở nên lờ mờ sau khi chớp mắt; bị chảy nước mắt liên tục.
Vậy khô mắt là bệnh gì? Có những biểu hiện bệnh như thế nào? Bệnh khô mắt có nguy hiểm không và cách điều trị như thế nào?
Nguyên nhân bệnh Khô mắt
Nguyên nhân của bệnh khô mắt là do mất cân bằng khả năng tiết và thoát nước. Với các nguyên nhân cụ thể sau:
- Số lượng nước mắt tiết ra không đủ phục vụ cho hoạt động của mắt. Các tuyến lệ trong và quanh mi mắt bị giảm dần chức năng tiết nước làm ướt mắt. Ngoài ra, cũng do gió, thời tiết và môi trường làm khô mắt, mỏi mắt, tốc độ bay hơi của mắt cao dẫn đến tình trạng khô mắt.
- Chất lượng nước mắt không tốt: các lớp mỡ, lớp nước và lớp nhầy của mắt không làm tròn chức năng bảo vệ nhãn cầu khỏi các yếu tố bên ngoài. Nước trong mắt bị bốc hơi quá nhanh hoặc nước không thể dàn phẳng trên bề mặt làm cho mắt bị khô. Ngoài ra cũng có một số bệnh làm cho mắt dễ bị khô như: viêm bờ mi, trứng cá đỏ làm ngăn cản lớp nhầy sản xuất nước.
Triệu chứng bệnh Khô mắt
Bệnh khô mắt được biểu hiện bởi các triệu chứng bệnh sau:
- Cảm giác khô rát, cộm như có hạt sạn trong mắt.
- Mắt bị đỏ hoặc nóng.
- Bị chảy nước mắt và giảm thị lực do bị khô mắt nặng dẫn đến tổn thương ở bề mặt nhãn cầu.
Đường lây truyền bệnh Khô mắt
Bệnh khô mắt không thể lây truyền từ người này sang người khác.
Đối tượng nguy cơ bệnh Khô mắt
Những người có nguy cơ bị mắc bệnh khô mắt như sau:
- Về tuổi tác: phần lớn những người lớn trên 65 tuổi do quá trình lão hóa tự nhiên sẽ có các triệu chứng của khô mắt.
- Về giới tính: Những người là nữ giới do thay đổi hormone sau khi mang thai hoặc dùng thuốc tránh thai, ở thời kỳ mãn kinh sẽ có khả năng bị khô mắt cao hơn.
- Những người có tiền sử sử dụng thuốc: Những người có tiền sử sử dụng thuốc kháng histamine, thuốc chống viêm, thuốc chống tăng huyết áp và thuốc giảm đau hoặc thuốc nhỏ mắt mà chưa có chỉ định của bác sĩ sẽ có khả năng cao bị khô mắt.
- Những người bị mắc các bệnh lý toàn thân hoặc bệnh lý về tai mắt: Những người có tiền sử mắc các bệnh viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường, tổn thương tuyến giáp, viêm nhiễm của mi mắt, bề mặt nhãn cầu hoặc những bất thường của mi mắt sẽ có nguy cơ cao bị khô mắt.
- Những người sống và làm việc trong các môi trường như: tiếp xúc với thuốc lá, gió, thời tiết hanh khô, làm việc với máy tính trong thời gian dài sẽ có nguy cơ bị khô mắt cao.
Phòng ngừa bệnh Khô mắt
Để phòng ngừa bệnh khô mắt, cần phòng tránh các tác nhân, nguy cơ gây bệnh như sau:
- Tuân thủ các nguyên tắc khi phải làm việc, tiếp xúc thường xuyên với máy tính: Để mắt cao hơn trung tâm màn hình máy tính từ 10-20cm; giữ khoảng cách tối thiểu giữa mắt và máy tính là 50cm; thường xuyên thư giãn, chớp mắt, xoay tròn mắt để được điều tiết chất nhờn tốt hơn; kiểm tra định kỳ mắt tại các bệnh viên chuyên khoa để kịp thời phát hiện bệnh.
- Giữ môi trường sống, làm việc sạch sẽ, trong lành, an toàn để bảo vệ mắt.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Khô mắt
Để chuẩn đoán các bệnh về mắt, trước hết cần dựa vào kết quả khám mắt toàn diện cùng với xác định một số chỉ số của màng phim nước mắt như:
- Kiểm tra tiền sử của bệnh nhân về các biểu hiện về mắt, quá trình sử dụng thuốc, yếu tố môi trường sống và làm việc.
- Sau đó khám bên ngoài nhãn cầu mắt để kiểm tra các bất thường khi mi mắt hoạt động.
- Sử dụng kính hiển vi với đèn khe và độ phóng đại hơn để đánh giá các tổn thương của mi mắt và kết giác mạc.
- Kiểm tra chất lượng của nước mắt thông qua việc xác định mắt có khô hay không.
Các biện pháp điều trị bệnh Khô mắt
Bệnh khô mắt là một trong những bệnh mạn tính khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Chính vì vậy cách điều trị tối ưu nhất là giữ có đôi mắt khỏe mạnh, dễ chịu và duy trì được thể lực tốt với các phương pháp như: bổ sung nước mắt nhân tạo, duy trì phim nước mắt trên bề mặt nhãn cầu làm tăng tiết nước mắt, điều trị viêm của mi mắt và bề mặt nhãn cầu.
Ngoài ra có thể sử dụng một số phương pháp giúp duy trì nước mắt dàn đều, làm ấm giác mạc như: tập thói quen chớp mắt chậm và đều (12-18 lần/phút), tránh tiếp xúc với bụi và ánh sáng mạnh; tránh để gió thổi trực tiếp vào mắt; thường xuyên nhỏ nước mắt nhân tạo để tránh khô mắt; có một chế độ dinh dưỡng hợp lý thường xuyên bổ sung các thức ăn chứa Omega-3 và Beta-Carotene, tăng cường chất chống oxy hóa giúp tăng sức khỏe cho đôi mắt.
- Hội chứng Sjogren: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Truyền nước tại nhà vừa an toàn, hiệu quả, lại tiết kiệm thời gian cho bạn
- Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị bệnh bạch cầu cấp
- Đa hồng cầu nguyên phát: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Bệnh lỵ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị