Thanh quản được ví như “hộp thoại” giúp chúng ta thực hiện các trạng thái trong giao tiếp nói, hát, thì thầm hay la hét. Viêm thanh quản xảy ra khi “hộp thoại” và dây thanh âm bị viêm, gây ra những vấn đề như khàn tiếng, đau họng, thậm chí rơi vào tình trạng “có hình nhưng mất tiếng”. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu, cách chữa trị và biến chứng của tình trạng này là gì?
Nội dung
Tổng quan bệnh Lao thanh quản
Lao thanh quản là bệnh gì?
Lao thanh quản là bệnh viêm thanh quản đặc hiệu do vi trùng lao là Mycobacterium tuberculosis gây ra. Lao thanh quản là một thể lao ngoài phổi thứ phát sau lao sơ nhiễm, bệnh tích khu trú ở thanh quản. Đây là một thể lao ngoài phổi có mối liên quan mật thiết với lao phổi. Bắt đầu từ phổi, vi khuẩn lao trong đờm, mủ bị khạc ra ngoài có thể dính vào thanh quản lúc đi qua cơ quan này và gây nhiễm bệnh, nhất là khi có các tổn thương viêm, phù nề, trợt,… thứ phát sau lao sơ nhiễm, bệnh tích khu trú ở thanh quản dễ mắc bệnh hơn. Ngoài ra, vi khuẩn lao còn đến thanh quản bằng đường bạch huyết và đường máu.
Bệnh lao thanh quản rất hiếm gặp, với tỷ lệ mắc là 1%. Tỷ lệ mắc đứng hàng thứ 4-5 trong nhóm bệnh lý lao ngoài phổi, di chứng lao thanh quản để lại là ảnh hưởng đến giọng nói, nuốt và thở.
Lao thanh quản có lây không?
Lao thanh quản là một bệnh về đường hô hấp có khả năng lây nhiễm rất nhanh thông qua đường thở bởi các dịch nước bọt, dịch đờm của người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh sẽ hết lây khi điều trị thuốc điều trị lao trên 2 tuần khi xét nghiệm đờm trực tiếp tìm AFB đờm âm tính. Cần thận trọng khi tiếp xúc với người bệnh lao thanh quản và thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm là vô cùng cần thiết. Sự lây lan của nhiễm trùng là trực tiếp từ một phế quản hoặc lây lan máu.
Triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến bệnh lao thanh quản là khàn giọng có thể đi kèm với chứng khó thở, chứng khó nuốt, ho.
Để giảm các biến chứng của viêm thanh quản, ngoài việc dùng thuốc thuốc chống lao để điều trị, bệnh nhân còn phải dùng thuốc chống viêm, phù nề để bảo tồn giọng nói và cải thiện khó thở theo đúng chỉ định của bác sĩ và bệnh nhân cần được theo dõi sức khỏe định kì.
Nguyên nhân bệnh Lao thanh quản
- Nguyên nhân của lao thanh quản là do vi khuẩn lao ở người có tên là M.tuberculosis với đặc điểm: kháng cồn, kháng toan, ái khí hoàn toàn, phát triển chậm 20-24 giờ sinh sản một lần. Vi khuẩn gây bệnh lao thanh quản theo ba con đường: đường hô hấp, đường bạch mạch, đường máu.
- Vi khuẩn lao thường xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Từ ổ khu trú ban đầu, vi khuẩn lao qua đường máu, bạch huyết, hô hấp tiếp cận bộ phận trong cơ thể gây lao tại các bộ phận trên cơ thể đó.
Triệu chứng bệnh Lao thanh quản
Triệu chứng cơ năng
- Dấu hiệu quan trọng nhất của lao thanh quản là thay đổi giọng nói. Biểu hiện là khàn tiếng. Khàn tiếng xuất hiện sớm, lúc đầu khàn nhẹ âm sắc mờ sau đó mất âm sắc cuối cùng thì tiếng nói mất hẳn. Đây là triệu chứng thường gặp nhất trong lao thanh quản. Khàn tiếng ngày một tăng, thậm chí gây mất tiếng khi dây thanh âm bị phá hủy hoàn toàn.
- Nuốt vướng hoặc đau khi nuốt, sặc khi uống nước do nắp thanh quản di động không tốt, đậy không kín hoặc bị phá hủy. Do tổn thương vùng sụn phễu và mép sau gây nên nuốt đau. Đau tăng lên khi ăn, uống rượu, khi ho hoặc nói.
- Ho: thường do bệnh ở phổi. Nếu ho có những đặc điểm sau đây thì phải nghĩ đến bệnh lý ở thanh quản: bệnh nhân đằng hắng nhiều, ho khan, ho từng cơn, có khi ho rũ như ho gà. Tiếng ho cũng khác lạ, nghe ồ ồ, rè rè; thoạt đầu ho khan, sau ho có đờm, mủ.
- Khó thở: xuất hiện muộn, bệnh nhân thường chỉ khó thở nặng ở giai đoạn cuối cùng, do tổn thương nặng nề . Khó thở xuất hiện muộn hơn do dây thanh âm phù nề, khối u lồi vào thanh quản hay do xơ sẹo co kéo, làm hẹp lòng thanh quản. Khó thở đột ngột xuất hiện từng cơn sau các kích thích như nội soi, sinh thiết hoặc khó thở liên tục với đặc điểm có tiếng rít, nhiều khi tiếng rít to đến mức người bệnh cùng phòng chịu không nổi vào ban đêm.
Lao thanh quản có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác có cùng triệu chứng khàn tiếng, khó thở, có tiếng rít như viêm thanh quản do vi khuẩn khác, cúm, ung thư thanh quản, polyp, u nhú thanh quản, liệt dây thanh âm, lao phế quản, u ở trung thất hoặc phổi chèn ép vào khí quản…Để chẩn đoán bệnh, phải tiến hành soi phế quản, sinh thiết để chẩn đoán mô bệnh và tìm tổn thương phối hợp.
Việc nội soi thanh quản ngoài chẩn đoán còn rất có ích cho việc chỉ định mở khí quản. Khi thanh quản hẹp, người bệnh khó thở nhiều, phải mở khí quản tạo một đường thông với bên ngoài không qua thanh quản. Đây là một chỉ định bắt buộc.
- Những triệu chứng toàn thân: sốt về chiều, gầy sút thường phụ thuộc vào thương tổn ở phổi, lao thanh quản thể đơn thuần ít có các triệu chứng toàn thân.
Triệu chứng thực thể
Tổn thương thanh quản được phát hiện dựa vào soi thanh quản gián tiếp, nội soi optic 700 hay soi bằng ống mềm hoặc qua soi thanh quản trực tiếp.
Các triệu chứng thấy được qua các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn đầu: thường không đặc hiệu, niêm mạc thanh quản đỏ hồng, hai dây thanh sung huyết giống viêm thanh quản thông thường. Khoảng vài ngày sau, một bên thanh quản đã trở lại gần như bình thường còn dây thanh đối diện vẫn viêm. Một nửa thanh quản còn sung huyết nhẹ và bệnh nhân vẫn khàn tiếng.
- Giai đoạn thứ hai: ba loại bệnh tích chính là phù nề, loét, sùi thường đan xen nhau tương xứng với lao phổi, nhiều vi khuẩn lao trong đờm.
Phù nề: niêm mạc dày, nề, đỏ và có điểm xám nhạt. Nếu toàn bộ bờ thanh quản phù nề thì thanh quản biến dạng giống mõm cá mè.
Loét: trên nền niêm mạc phù nề, loét xuất hiện. Niêm mạc xung quanh vết loét phù nề mọng nước và có nhiều chấm sáng . Những nang lao này sẽ nhuyễn hoá, loét ra và đan xen với vết loét trước hoặc hình thành những u nhỏ đều đặn, mềm đỏ giống polyp.
Sùi: dạng súp lơ thường thấy ở mép sau hay dọc theo bờ những vết loét lớn.
- Giai đoạn thứ ba: quá trình lao lấn sâu vào màng sụn gây hoại tử sụn.
Đối tượng nguy cơ bệnh Lao thanh quản
Một số yếu tố nguy cơ mắc lao:
- Tiếp xúc với nguồn lây
- Không tiêm BCG.
- Đói nghèo, môi trường sinh sống, làm việc không đảm bảo vệ sinh, ô nhiễm, có nhiều chất độc hại, khói bụi.
- Mắc bệnh mạn tính: bệnh gan, thận nặng, đái tháo đường, bệnh máu.
- Mắc bệnh cấp tính: nhiễm virus, cúm, sởi, quai bị.
- Suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch do dùng thuốc ức chế miễn dịch, mắc bệnh ung thư, suy giảm miễn dịch mắc phải.
- Nghiện hút thuốc lá, nghiện rượu.
Phòng ngừa bệnh Lao thanh quản
- Nâng cao sức đề kháng cơ thể.
- Cách ly nguồn lây, điều trị tốt những trường hợp lao phổi.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Lao thanh quản
Triệu chứng lâm sàng: ho, khàn tiếng, khó thở, nuốt đau.
Soi thanh quản: phát hiện hình thái tổn thương thanh quản: sùi, loét, phù nề. Qua đó, có thể lấy dịch tại thanh quản nuôi cấy tìm vi khuẩn lao, sinh thiết tổn thương thanh quản làm xét nghiệm mô bệnh học. Nếu dương tính thì có giá trị chẩn đoán xác định bệnh và giúp chẩn đoán phân biệt.
Ngoài việc thu thập mẫu xét nghiệm vùng thanh quản nghi nhiễm lao thì cần tiến hành thêm các xét nghiệm trong khuôn khổ chẩn đoán bệnh lao, đặc biệt là lao phổi. Các xét nghiệm bao gồm: Xquang phổi, AFB đờm, phản ứng Mantoux, phương pháp MGIT, PCR (Polymerase Chain Reaction) các xét nghiệm này nếu dương tính có thể chẩn đoán lao là dấu hiệu gợi ý lao thanh quản.
Các biện pháp điều trị bệnh Lao thanh quản
- Nguyên tắc: điều trị đúng phác đồ, đủ thời gian
Điều trị đặc hiệu theo công thức điều trị lao ngoài phổi, lao mới:
- Điều trị hai giai đoạn: giai đoạn tấn công (giai đoạn đầu) kéo dài 2-3 tháng, giai đoạn duy trì tiếp theo kéo dài 4-6 tháng.
- Điều trị có kiểm soát theo chương trình DOTS: 2RHSZ/6HE, SHRZE/1HRZE/5H3R3E3.
Điều trị không đặc hiệu
- Bệnh nhân nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý, tránh kích thích, tránh nói nhiều, không hút thuốc.
- Bệnh nhân bị lao thanh quản cần ở phòng riêng, đảm bảo sạch sẽ và thông thoáng khí.
Để tránh lây lan bệnh nhân lao thanh quản cần:
- Tránh ho khạc đờm lung tung và cần gom đờm đúng cách.
- Không nên dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, tụ tập nơi đông người; nếu có thì cả người bệnh và người lành đều đeo khẩu trang cẩn thận.