Liệt mặt là một căn bệnh về thần kinh ngoại biên thường gặp. Việc phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh có thể giúp ích nhiều cho việc phòng ngừa các di chứng nặng ảnh hưởng đến ngoại hình và sức khỏe lâu dài của người bệnh.
Nội dung
Tổng quan bệnh Liệt mặt
Dây thần kinh số 7 là dây thần kinh vận động chi phối vận động cơ mặt. Bệnh lý liệt dây thần kinh 7 ngoại biên hay liệt mặt ngoại biên là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt do tổn thương dây thần kinh mặt gây nên. Bệnh làm các cơ mặt xệ xuống, yếu đi và có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên mặt.
Nguyên nhân bệnh Liệt mặt
Dây thần kinh số 7 bắt đầu từ hệ thần kinh trung ương, đi qua xương thái dương và tuyến mang tai đến các cơ vùng mặt. Do vậy nguyên nhân liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có thể xuất phát tại thân não, nguyên nhân tại dây thần kinh số 7 hay nguyên nhân do tuyến mang tai hoặc tại xương đá.
- Ở những người bình thường, liệt dây thần kinh 7 ngoại vi thường là liệt mặt Bell do dây thần kinh mặt bị viêm hoặc là do nhiễm lạnh đột ngột. Đây là nguyên nhân hay gặp nhất của liệt mặt. Hầu hết các liệt mặt thuộc trường hợp này sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng 6 tháng.
- Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như tai biến mạch máu não, u hệ thần kinh trung ương, do biến chứng chấn thương sọ vùng thái dương, đột quỵ hoặc do viêm tai mũi họng thường xuyên mà ko điều trị dứt điểm.
Triệu chứng bệnh Liệt mặt
Triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên rất rõ ràng và dễ nhận biết.
- Liệt bell: Người bệnh có các biểu hiện như liệt mặt một bên, mất khả năng nhấp nháy mắt bên bị ảnh hưởng, miệng bên ảnh hưởng bị xệ xuống, líu lưỡi, hay chảy nước dãi, khó khăn khi ăn uống, đau ở trong hoặc sau tai…
- Liệt dây thần kinh số 7 do đột quỵ: Biểu hiện giống liệt Bell nhưng có thêm các triệu chứng khác như thay đổi ý thức, chóng mặt, yếu ½ người, co giật…
Bất kể khi nào người bệnh có những biểu hiện trên cần nhanh chóng đi khám chuyên khoa tìm nguyên nhân để được điều trị càng sớm càng tốt.
Đối tượng nguy cơ bệnh Liệt mặt
Bệnh liệt dây thần kinh 7 ngoại vi gặp ở các mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính và không lây lan.
Những người dễ mắc bệnh là những người có thể trạng yếu, ít tập luyện thể dục, những người hay sử dụng rượu bia, đi sớm về khuya. Ngoài ra những người có tiền sử huyết áp cao, xơ vữa động mạch, hay thức khuya cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh.
Phòng ngừa bệnh Liệt mặt
Thường xuyên tập thể dục, hạn chế sử dụng rượu bia, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh là biện pháp chủ yếu phòng ngừa bệnh liệt mặt. Nhưng dù là bất kỳ trường hợp nào, việc đến khám tại cơ sở y tế khi xuất hiện các triệu chứng là điều bắt buộc để sớm tìm ra nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Liệt mặt
Việc chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng của người bệnh. Các bác sĩ lâm sàng sẽ dựa vào triệu chứng và kết hợp hỏi người bệnh về các vị tí đau, tổn thương, thời gian xuất hiện để xác định chính xác là một trường hợp liệt mặt đơn thuần hay liệt mặt do các nguyên nhân khác để có biện pháp điều trị. Sau đó, các bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm chuyên khoa như chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu để tìm căn nguyên gây bệnh.
Các biện pháp điều trị bệnh Liệt mặt
Việc điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên rất quan trọng, cần kết hợp cả nội khoa và ngoại khoa để có biện pháp điều trị tốt nhất.
- Liệt Bell: Điều trị hợp lý sẽ hồi phục hoàn toàn. Người bệnh điều trị bằng vật lý trị liệu, châm cứu, sử dụng các loại thuốc giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng và ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn.
- Liệt mặt do các nguyên nhân khác: Điều cần làm là xác định chính xác nguyên nhân gây liệt mặt để có biện pháp điều trị phù hợp đồng thời kết hợp điều trị triệu chứng để giúp cho người bệnh nhanh hồi phục. Ngoài ra còn có thể can thiệp bằng phẫu thuật để phục hồi dây thần kinh bị tổn thương trong nhiều trường hợp khác nhau giúp cho người bệnh nhanh hồi phục.