Lỵ trực khuẩn là một nhiễm trùng ruột cấp tính gây ra bởi Shigella sp. Các triệu chứng bao gồm sốt, buồn nôn, nôn mửa, mót rặn và tiêu chảy thường có máu. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng và được khẳng định bởi nuôi cấy.
Nội dung
- Tổng quan bệnh Lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)
- Nguyên nhân bệnh Lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)
- Triệu chứng bệnh Lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)
- Đường lây truyền bệnh Lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)
- Đối tượng nguy cơ bệnh Lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)
- Phòng ngừa bệnh Lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)
- Các biện pháp chẩn đoán bệnh Lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)
- Các biện pháp điều trị bệnh Lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)
Tổng quan bệnh Lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)
Bệnh lỵ trực khuẩn là gì?
Bệnh lỵ trực trùng, hay còn gọi là lỵ trực khuẩn hoặc xích lỵ, là bệnh kiết lỵ do trực khuẩn lỵ Shigella gây ra nhiễm trùng ruột và trực tràng. Các dấu hiệu chính của nhiễm Shigella là tiêu chảy và phân thường có lẫn máu.
Nguyên nhân bệnh Lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)
Căn cứ vào các biểu hiện của lỵ trực khuẩn bệnh học, có thể xác định các nguyên nhân sau gây ra bệnh lỵ trực khuẩn như:
- Do tiếp xúc với trực khuẩn Shigella thông qua miệng như: tiếp xúc trực tiếp giữa người với người.
- Do ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm: những người xử lý thực phẩm có thể truyền vi khuẩn cho những người ăn thực phẩm hoặc do thực phẩm ở gần khu vực có chứa nước thải ô nhiễm;
- Do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm: uống nước hoặc bơi trong môi trường nước bị nhiễm trực khuẩn Shigella cũng là nguyên nhân gây ra lỵ trực khuẩn.
Triệu chứng bệnh Lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)
Bệnh lỵ trực khuẩn thường có thời gian ủ bệnh trong khoảng 3 ngày (trong nhiều trường hợp có thể dao động từ 1-7 ngày).
Các triệu chứng bệnh lỵ trực khuẩn bao gồm: sốt (đối với trẻ em có thể sốt rất cao); co thắt ở vùng bụng theo cơn; tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn mửa; đau cơ hoặc mỏi cơ, trong phân có máu hoặc chất nhầy.
Đối với trẻ em nếu bị tiêu chảy ra máu, tiêu chảy cùng lúc với mất nước, sụt cân và sốt 38 độ C trở lên cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị để tránh các biến chứng lỵ trực khuẩn khó lường.
Đường lây truyền bệnh Lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)
Bệnh lỵ trực khuẩn lây theo đường tiêu hoá qua nước uống, thức ăn, bàn tay ô nhiễm và ruồi, nhặng, chủ yếu qua đường phân – miệng, gián tiếp hay trực tiếp. Đặc biệt, bệnh dễ lan truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa trẻ trong cùng nhóm trẻ, cùng gia đình hay qua trung gian như đồ chơi, tay nắm cửa nhà vệ sinh, van vòi nước.
Ngoài ra, bệnh lỵ trực khuẩn còn có thể bị lây truyền qua tình dục đồng giới.
Đối tượng nguy cơ bệnh Lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)
Các đối tượng sau có nguy cơ cao bị mắc bệnh lỵ trực khuẩn: trẻ em từ 2 đến 4 tuổi, những người sống hoặc đi du lịch đến những nơi không đủ vệ sinh, thường xuyên sử dụng nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc có quan hệ tình dục đồng tính nam qua hậu môn.
Phòng ngừa bệnh Lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)
Các biện pháp phòng bệnh lỵ trực khuẩn như thế nào?
- Biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh đó là cần phát hiện sớm, sau đó cách ly để điều trị bệnh nhân lỵ cấp.
- Cần bảo vệ người chưa bị nhiễm bệnh ít nhất 7 ngày sau khi tiếp xúc với bệnh nhân bị lỵ trực khuẩn.
- Đảm bảo việc thực hiện chế độ ăn uống hợp vệ sinh.
- Thực hiện rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh và tiếp xúc với các đồ vật để phòng bệnh lỵ trực khuẩn.
- Áp dụng biện pháp xử lý chất thải của bệnh nhân bằng vôi sống 20%, nước vôi 10%. Đồ dùng, quần áo bệnh nhân phải được sát trùng hoặc ngâm Cloramin B 2%.
- Tích cực diệt các loài côn trùng như: ruồi, gián, nhặng…
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)
Để chẩn đoán bệnh lỵ trực khuẩn bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng sau để chẩn đoán bệnh: dấu hiệu mất nước cùng với nhịp tim nhanh và huyết áp thấp; đau bụng hoặc dấu hiệu các tế bào bạch cầu trong máu cao hơn mức bình thường.
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm mẫu phân để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn Shigella hoặc độc tố của chúng.
Các biện pháp điều trị bệnh Lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)
Có thể áp dụng các cách điều trị lỵ trực khuẩn sau:
- Đối với người lớn khi bị lỵ trực khuẩn không cần can thiệp mà sẽ tự khỏi bệnh.
- Đối với trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi, sẽ cần được uống dung dịch Oresol bổ sung nước cùng chất điện giải khi tiêu chảy. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc kháng sinh để rút ngắn thời gian mắc bệnh và ngăn ngừa bệnh lây cho người khác.
Để kiểm soát tình trạng bệnh, có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Nghỉ ngơi dưỡng sức, vệ sinh phòng ngủ, giặt chăn và tấm trải giường với xà phòng và nước ấm càng thường xuyên càng tốt, đặc biệt là sau khi khỏi bệnh;
- Sử dụng nhà tắm riêng hoặc đeo găng tay chà rửa bồn cầu với dung dịch tẩy; Rửa tay sạch với xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn;
- Chế biến các món ăn dạng lỏng như canh hoặc cháo, sau đó từ từ quay lại ăn bình thường nhưng không được ăn trái cây và rau củ quả sống;
- Không nên sử dụng thuốc chống tiêu chảy vì sẽ ngăn vi khuẩn bị loại bỏ ra khỏi cơ thể và làm bệnh nặng hơn.