Chấn thương cấp tính hoặc kích ứng mãn tính gây ra những thay đổi trong dây thanh có thể dẫn tới các khối u, hạt xơ hoặc u hạt. Tất cả đều gây ra khàn tiếng và hụt hơi. Sự tồn tại của các triệu chứng này > 3 tuần cho thấy sự tổn thương của dây thanh. Chẩn đoán dựa trên nội soi thanh quản và sinh thiết trong những trường hợp được chọn để loại trừ ung thư. Phẫu thuật loại bỏ tổn thương và bảo tồn giọng nói, và loại bỏ các nguồn kích thích ngăn ngừa sự tái phát.
Nội dung
Tổng quan bệnh Polyp thanh quản
Polyp thanh quản là gì?
Polyp thanh quản là một loại u nhỏ, nằm ở mặt trên hay bờ trong của dây thanh quản. Kích thước của u có thể to bằng hạt tấm, hoặc có khi to bằng hạt đậu xanh. Khối u này thường nhẵn, mọng, bóng, màu trắng hồng, và có cuống dài làm nó di động theo nhịp thở. Bản chất của polyp bao gồm một nhân xơ được bao ngoài bởi các biểu mô quá sản.
Polyp dây thanh quản là bệnh lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên sẽ tác động đến giọng nói, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Polyp có thể làm giọng nói bị khàn hoặc đổi giọng hoàn toàn tuỳ thuộc vào kích cỡ của polyp.
Nguyên nhân bệnh Polyp thanh quản
Có nhiều yếu tố gây nên polyp dây thanh quản có thể kể đến như sau:
- Polyp có thể do lạm dụng giọng nói trong thời gian dài hoặc xảy ra sau một chấn thương duy nhất trên dây thanh quản. Sự tác động cơ học (nói nhiều, nói liên tục, kéo dài hoặc la hét) làm dây thanh quản căng quá mức giới hạn, khiến các mạch máu nhỏ trên dây thanh bị vỡ, dẫn đến sự hình thành polyp.
- Do quá sản tổ chức biểu mô, tổ chức liên kết hoặc quá sản niêm mạc thanh dây thanh quản.
- Do cảm lạnh, viêm họng cấp, hoặc viêm thanh quản mãn tính kéo dài: Nếu bệnh không được điều trị dứt điểm, tái phát nhiều lần sẽ dẫn tới sự hình thành các hạt polyp trên dây thanh quản.
- Thường xuyên sử dụng thuốc lá, đồ uống có cồn như rượu, bia: Các chuyên gia tai mũi họng nhận định rằng những bệnh nhân có thói quen sử dụng thuốc lá và rượu bia nhiều sẽ khiến dây thanh quản bị kích thích, tổn thương quá độ, dẫn tới hình thành polyp.
- Suy giáp, trào ngược dạ dày thực quản cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới xuất hiện polyp thanh quản.
- Sự thay đổi nội tiết tố: Đối với phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, nội tiết tố thường có sự thay đổi, khí huyết điều hoà không đều, dây thanh quản có thể xuất huyết nhẹ. Nếu người bệnh nói nhiều, nói to, quát tháo sẽ khiến dây thanh bị tổn thương và phát sinh bệnh.
Triệu chứng bệnh Polyp thanh quản
Dấu hiệu polyp thanh quản có thể bao gồm:
- Khàn tiếng: Đây là dấu hiệu chủ yếu khi bị polyp thanh quản. Giọng nói bị khàn là do hai dây thanh không khép kín lại được, rung động không đều. Mức độ khàn tiếng phụ thuộc vào kích thước và hình dạng của khối polyp. Khi polyp càng lớn thì sẽ làm khoảng hở giữa hai dây thanh càng rộng, giọng nói khàn càng nhiều.
- Có cảm giác nghẹn trong cổ họng: Đối với loại polyp có cuống, khi bệnh nhân nói, polyp có thể di động khi thanh môn đóng, mở. Do đó, người bệnh có cảm giác vướng ở cổ họng như có sợi tóc hay vật gì cản trở. Nếu bệnh nhân khạc nhiều sẽ làm cho polyp phù nề, giọng nói càng khàn.
- Nói hụt hơi.
- Ho khan kéo dài.
- Nghe rõ tiếng hơi thở.
- Giọng nói bị thô ráp, có âm rít.
- Đau mang tai.
- Đau cổ.
- Giảm âm cao.
- Cơ thể mệt mỏi.
Đối tượng nguy cơ bệnh Polyp thanh quản
Polyp thanh quản có thể bắt gặp ở mọi độ tuổi, nhưng phổ biến hơn ở người trưởng thành. Những người có nguy cơ cao bị polyp dây thanh quản bao gồm:
- Những người có nghề nghiệp cần sử dụng giọng nói nhiều như giáo viên, phát thanh viên, MC dẫn chương trình, ca sĩ, hướng dẫn viên du lịch,…
- Những người lạm dụng thuốc lá, rượu bia,…
Phòng ngừa bệnh Polyp thanh quản
Các biện pháp sau đây có thể được thực hiện để phòng ngừa polyp dây thanh quản xuất hiện:
- Không hút thuốc lá, tránh xa môi trường khói thuốc độc hại.
- Không lạm dụng chất kích thích, rượu, bia, cà phê.
- Hạn chế thức ăn cay, nóng.
- Hạn chế nói to trong thời gian dài, gào thét, la ó.
- Giữ gìn vệ sinh miệng bằng dung dịch muối sinh lý, tránh để bị viêm họng hoặc viêm dây thanh quản.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Polyp thanh quản
Khi có những dấu hiệu mắc polyp thanh quản, các bác sĩ có thể chỉ định nội soi để biết chính xác vị trí, kích thước của polyp và tình trạng của dây thanh quản, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Khi có những dấu hiệu mắc polyp thanh quản, các bác sĩ có thể chỉ định nội soi để biết chính xác vị trí, kích thước của polyp và tình trạng của dây thanh quản, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Các biện pháp điều trị bệnh Polyp thanh quản
Các phương pháp điều trị polyp thanh quản hiện nay có thể là phẫu thuật hoặc can thiệp hành vi.
Sự can thiệp sử dụng phẫu thuật cắt bỏ polyp được chỉ định khi các polyp rất lớn hoặc đã tồn tại một thời gian dài. Có nhiều cách khác nhau để mổ polyp thanh quản:
- Soi thanh quản trực tiếp hoặc gián tiếp cắt polyp.
- Soi thanh quản treo, cắt bỏ polyp thanh quản dưới kính hiển vi phẫu thuật.
Sau khi phẫu thuật xong cần sử dụng kháng sinh, khí dung, các chất chống viêm, chống phù nề để tránh nhiễm khuẩn. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần hạn chế nói để làm dịu thanh quản, giảm tác động đến dây thanh. Trong trường hợp bất khả kháng thì nên sử dụng các thiết bị hỗ trợ như micro, loa để nói.
Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc polyp thanh quản có thể chữa trị bằng can thiệp hành vi hoặc điều trị giọng nói. Điều trị giọng nói có thể là thay đổi độ cao, độ lớn của giọng nói hoặc liên quan đến việc giảm, dừng các hành vi lạm dụng giọng nói hoặc tập thở cho giọng nói tốt hơn.
- Polyp mũi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt (CML): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Nấm thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Dị ứng tưởng bình thường mà lại có những bệnh lý đi kèm nguy hiểm?
- Hẹp thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị