Hội chứng rối loạn sinh tủy (MDS) là nhóm rối loạn điển hình bởi giảm các tế bào máu ngoại vi, rối loạn sinh các tiền thân tạo máu, tăng tế bào tủy xương, có nguy cơ cao chuyển dạng thành lơ xê mi cấp dòng tủy (AML). Các triệu chứng lâm sàng do giảm dòng tế bào máu: mệt mỏi, yếu, xanh (thứ phát do thiếu máu), tăng nhiễm trùng và sốt (thứ phát do giảm bạch cầu trung tính) và dễ chảy máu và bầm tím (thứ phát do giảm tiểu cầu). Chẩn đoán dựa vào công thức máu, tiêu bản máu ngoại vi, chọc hút dịch tủy xương. Điều trị bằng azacytidine có thể giúp ích; nếu tiến triển thành AML sẽ được điều trị bằng các phác đồ thông thường.
Nội dung
- Tổng quan bệnh Rối loạn sinh tủy (MDS)
- Nguyên nhân bệnh Rối loạn sinh tủy (MDS)
- Triệu chứng bệnh Rối loạn sinh tủy (MDS)
- Đối tượng nguy cơ bệnh Rối loạn sinh tủy (MDS)
- Phòng ngừa bệnh Rối loạn sinh tủy (MDS)
- Các biện pháp chẩn đoán bệnh Rối loạn sinh tủy (MDS)
- Các biện pháp điều trị bệnh Rối loạn sinh tủy (MDS)
Tổng quan bệnh Rối loạn sinh tủy (MDS)
Hội chứng rối loạn sinh tủy (Myelodysplastic Syndrome – MDS) là một nhóm các rối loạn do các tế bào máu hình thành không bình thường hoặc không hoạt động gây ra.
Hội chứng rối loạn sinh tủy xảy ra khi có bất ổn trong tủy xương, nơi sản sinh ra các tế bào máu.
Rối loạn sinh tủy có nguy hiểm không?
Hội chứng rối loạn sinh tủy là bệnh khá nặng, dai dẳng và rất khó điều trị. Người bệnh có thể tử vong do các biến chứng như: nhiễm trùng, xuất huyết, ứ sắt do truyền máu nhiều lần gây suy chức năng các cơ quan hoặc do chuyển thành bệnh bạch cầu cấp.
Tuy nhiên những người mắc phải căn bệnh này vẫn có hy vọng được điều trị và thường vẫn có thể duy trì sự sống thêm nhiều năm sau khi chẩn đoán. Trong một số trường hợp, hội chứng rối loạn sinh tủy được điều trị bằng cách ghép tủy xương.
Hội chứng rối loạn sinh tủy có liên quan đến nhiều bất thường về nhiễm sắc thể. Hay gặp nhất là mất đoạn hoặc mất toàn bộ nhiễm sắc thể số 5 hoặc 7, ít gặp hơn là mất đoạn các nhiễm sắc thể số 9, 11, 12, 13, 17 hoặc 20.
Đặc trưng của bệnh là sự rối loạn quá trình biệt hóa và tăng sinh của các dòng tế bào máu gây nên tình trạng tạo máu không hiệu quả dẫn đến làm giảm 1, 2 hay 3 dòng tế bào trong máu ngoại vi kết hợp với những rối loạn hình thái và chức năng của 3 dòng hồng cầu, bạch cầu và mẫu tiểu cầu trong tủy xương.
Các dạng rối loạn sinh tủy gồm:
- Đa hồng cầu nguyên phát: loại rối loạn này xảy ra khi tủy xương sản sinh quá nhiều tế bào máu, đặc biệt là các tế bào hồng cầu. Hơn 95% người bị đa hồng cầu nguyên phát mang đột biến gen JAK2V617F trong máu.
- Tăng tiểu cầu thiết yếu: xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều tế bào tiểu cầu, làm máu bị vón cục. Cục máu đông có thể làm nghẽn mạch máu dẫn đến cơn đau tim hoặc đột quỵ.
- Chứng xơ cứng tủy: xảy ra khi tủy xương sản sinh quá nhiều collagen hoặc mô xơ trong tủy xương làm giảm khả năng sản xuất các tế bào máu của tủy.
- Bệnh bạch cầu mạn tính dòng tủy (CML): là một loại ung thư tủy xương, sản sinh ra bạch cầu hạt bất thường.
Nguyên nhân bệnh Rối loạn sinh tủy (MDS)
Hội chứng rối loạn sinh tủy xảy ra khi có sự phá vỡ trật tự sản sinh các tế bào máu.
Những người mắc hội chứng rối loạn sinh tủy có thể có các tế bào máu chưa phát triển bình thường và bị khiếm khuyết. Thay vì phát triển bình thường, tế bào máu có thể chết ở trong tủy xương hoặc ngay sau khi đi vào dòng máu. Theo thời gian, số lượng các tế bào khiếm khuyết bắt đầu vượt trội hơn các tế bào máu khỏe mạnh gây ra một số vấn đề như thiếu máu, nhiễm khuẩn và xuất huyết.
Nguyên nhân rối loạn sinh tủy bao gồm:
- Yếu tố di truyền: một số người mắc bệnh rối loạn sinh tủy có một nhiễm sắc thể bất thường rút ngắn được gọi là nhiễm sắc thể Philadelphia.
- Yếu tố môi trường: rối loạn sinh tủy có thể là hậu quả do tiếp xúc quá nhiều với bức xạ, hệ thống dây điện hoặc hóa chất.
Hội chứng rối loạn sinh tủy được phân thành hai loại dựa trên nguyên nhân gây bệnh:
- Hội chứng rối loạn sinh tủy không rõ nguyên nhân: còn gọi là hội chứng rối loạn sinh tủy De novo. Các bác sĩ không tìm được nguyên nhân gây ra tình trạng này. Đáng chú ý hơn, hội chứng rối loạn sinh tủy De novo thường được điều trị dễ dàng hơn các hội chứng rối loạn sinh tủy biết rõ nguyên nhân
- Hội chứng rối loạn sinh tủy gây ra bởi hóa chất và phóng xạ: xảy ra khi phản ứng với điều trị ung thư như hóa trị liệu và xạ trị hoặc phản ứng với sự phơi nhiễm hóa học. Bệnh này còn được gọi là hội chứng rối loạn sinh tủy thứ phát và thường khó điều trị hơn.
Triệu chứng bệnh Rối loạn sinh tủy (MDS)
Ở giai đoạn đầu, hội chứng rối loạn sinh tủy hiếm khi có dấu hiệu hoặc triệu chứng.
Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian, hội chứng rối loạn sinh tủy có thể gây ra:
- Mệt mỏi
- Khó thở
- Da xanh xao, nhợt nhạt, không bình thường do thiếu máu. Thiếu máu thường từ từ, dai dẳng và không rõ nguyên nhân.
- Hội chứng xuất huyết (dưới da, niêm mạc, nội tạng).
- Hội chứng nhiễm khuẩn (hô hấp, tiêu hóa, sinh dục – tiết niệu, …).
- Có thể gặp gan to và/ hoặc lách to.
- Đau bụng
- Thâm nhiễm ngoài da thường gặp ở bệnh nhân có tăng bạch cầu monocyte.
Các triệu chứng trên có thể xuất hiện đơn độc hoặc phối hợp nhau, các hội chứng nhiễm khuẩn, xuất huyết, gan lách to gặp với tỷ lệ thấp hơn hội chứng thiếu máu.
Đối tượng nguy cơ bệnh Rối loạn sinh tủy (MDS)
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh rối loạn sinh tủy bao gồm:
- Tuổi cao: trên 60 tuổi
- Giới tính: nam có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ
- Điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị.
- Tiếp xúc với hóa chất: khói thuốc lá, thuốc trừ sâu và các hóa chất công nghiệp như benzen
- Tiếp xúc với kim loại nặng như chì và thủy ngân
Phòng ngừa bệnh Rối loạn sinh tủy (MDS)
Các biện pháp phòng ngừa biến chứng của bệnh rối loạn sinh tủy bao gồm:
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng bằng cách thường xuyên rửa tay. Rửa tay thật kỹ bằng nước ấm, xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn hoặc khi chuẩn bị thức ăn
- Cẩn thận với thức ăn: nên nấu chín tất cả các loại thịt và cá, tránh ăn trái cây và rau quả không thể bóc vỏ, đặc biệt là rau diếp và rửa tất cả trước khi bóc vỏ
- Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh vì hội chứng rối loạn sinh tủy có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Rối loạn sinh tủy (MDS)
Lâm sàng: hội chứng thiếu máu, hội chứng nhiễm trùng, hội chứng xuất huyết, có thể gặp gan lách to.
Cận lâm sàng:
- Máu ngoại vi:
- Thiếu máu bình sắc, có thể gặp hồng cầu non ra máu ngoại vi.
- Bạch cầu hạt có thể bình thường, tăng hoặc giảm, giảm hoặc mất hạt đặc hiệu, có hình ảnh nhân bị đứt đoạn, hoặc tăng hạt đặc hiệu hoặc tăng đoạn, có thể xuất hiện tế bào non ác tính (blast).
- Tiểu cầu có thể tăng, giảm hoặc bình thường, bất thường hay gặp nhất là tiểu cầu có kích thước to (tiểu cầu khổng lồ).
- Tủy đồ:
- Dòng hồng cầu thường tăng sinh, gặp hồng cầu non đủ các lứa tuổi, các hồng cầu non có nhân chấm, hoặc hồng cầu non ít tạo hemoglobin. Có thể tăng tiền nguyên hồng cầu nhưng ít gặp các cụm, các đảo hồng cầu non bình thường. Có thể gặp nguyên hồng cầu nhiều nhân, nhân có vệ tinh thấy ở giai đoạn đa sắc và ưa acid, bào tương có hốc hoặc ít tạo huyết sắc tố. Nhuộm hồng cầu sắt (nhuộm Perls) có thể phát hiện được sideroblast vòng (là một tiêu chuẩn trong xếp thể bệnh của hội chứng rối loạn sinh tủy).
- Dòng bạch cầu hạt: thường có tăng bạch cầu dòng hạt và dòng mono, giảm hoặc mất hạt đặc hiệu, tế bào méo mó, nứt vỡ, có vệ tinh, xuất hiện tế bào một nhân của bạch cầu đoạn trung tính, bất thường kiểu Pelger Huët. Có thể gặp tăng tế bào tiền tủy bào và tủy bào. Tế bào blast bao giờ cũng gặp nhưng tỷ lệ gần như bình thường (dưới 2%), nhưng có thể gặp tăng cao, đến xấp xỉ 20% ở thể có tăng quá mức tế bào blast.
- Tiểu cầu: gặp mẫu tiểu cầu còi cọc, không chia thùy hoặc hai thùy, nhiều múi hoặc ít múi.
- Sinh thiết tủy xương: rất có giá trị trong việc chẩn đoán sớm khi bệnh chuyển thành leukemia cấp. Phát hiện thấy sự khu trú bất thường của các tế bào đầu dòng chưa trưởng thành thì tiên lượng bệnh dễ chuyển thành leukemia cấp. Có thể có tăng sinh xơ gặp ở thể ít blast.
- Xét nghiệm sinh học phân tử: tùy từng thể bệnh mà có chỉ định xét nghiệm hợp lý.
Chẩn đoán phân biệt: suy giảm tủy xương, thiếu máu hồng cầu to do thiếu axit folic và vitamin B12, thiếu máu có sideroblast bẩm sinh.
Các biện pháp điều trị bệnh Rối loạn sinh tủy (MDS)
Nguyên tắc chung điều trị rối loạn sinh tủy:
- Điều trị căn cứ theo thể bệnh, yếu tố nguy cơ, tuổi và toàn trạng.
- Các biện pháp điều trị chính là: hóa trị liệu, sử dụng các chất cảm ứng biệt hóa, ghép tủy xương, điều trị bổ trợ cho thiếu máu, xuất huyết, nhiễm trùng.
Hiện nay chưa có phương pháp nào chữa khỏi bệnh rối loạn sinh tủy. Các phương pháp điều trị hội chứng rối loạn sinh tủy thường tập trung làm chậm sự tiến triển của bệnh và chăm sóc hỗ trợ để giúp kiểm soát các triệu chứng như mệt mỏi và để ngăn ngừa xuất huyết, nhiễm trùng.
Các phương pháp điều trị rối loạn sinh tủy bao gồm:
- Truyền máu: để thay thế các tế bào hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu ở những người mắc hội chứng rối loạn sinh tủy
- Thuốc: để tăng số lượng tế bào máu khỏe mạnh bao gồm thuốc tăng số lượng tế bào máu cơ thể tạo ra, thuốc kích thích tế bào máu hoàn thiện, thuốc ngăn chặn hệ thống miễn dịch, thuốc cho người có những bất thường di truyền
- Ghép tế bào gốc tủy xương: trong quá trình ghép tế bào gốc tủy xương, bác sĩ sẽ loại bỏ các tế bào máu bị lỗi, bị tổn thương bằng cách sử dụng thuốc hóa trị. Sau đó các tế bào gốc bất thường ở tủy xương được thay thế bằng các tế bào được hiến tặng.
Điều trị hỗ trợ:
Chống thiếu máu:
- Truyền khối hồng cầu
- Erythropoietin: 10.000UI/lần x 3 lần/tuần hoặc 40.000UI/lần/tuần tiêm dưới da.
Chống xuất huyết:
- Truyền khối tiểu cầu cùng nhóm
- Tranexamic acid 0,25g x 1-2 ống, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch
- Thrombopoietin
Chống nhiễm trùng:
- Điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ khi có nhiễm khuẩn
- Giữ vệ sinh ăn uống, vệ sinh răng miệng, cơ thể
- Thải sắt
Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý:
- Ăn thực phẩm chống oxy hóa bao gồm các loại trái cây (như quả việt quất, anh đào, cà chua), rau quả (như bí và ớt chuông).
- Tránh các loại thực phẩm tinh chế như bánh mì trắng, mì ống và đặc biệt là đường.
- Ăn thịt ít màu đỏ và các loại thịt nạc, cá nước lạnh, đậu phụ, đậu nành hoặc đậu giàu protein.
- Sử dụng các loại dầu lành mạnh như dầu oliu hoặc dầu thực vật.
- Không dùng các chất kích thích như cà phê, rượu, thuốc lá.
- Uống 6 – 8 ly nước lọc mỗi ngày.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt (CML): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Đau tủy xương: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Đa hồng cầu nguyên phát: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Rối loạn tiền đình: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị bệnh bạch cầu cấp