Suy tĩnh mạch chân: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Suy giãn tĩnh mạch chân thường gặp ở người từ 30 tuổi trở lên, trong đó tỷ lệ nữ giới bị bệnh cao hơn. Đây là căn bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. 

Tổng quan bệnh Suy tĩnh mạch chân

Suy tĩnh mạch chân là gì?

Bình thường máu từ tim đi nuôi cơ thể qua các động mạch và trở lại tim qua hệ tĩnh mạch. Máu từ chân trở về tim qua các cơ chế: sự co bóp của cơ bắp chân đẩy máu đi (bơm cơ), hệ thống van tĩnh mạch một chiều ngăn không cho máu trào ngược trở lại. Rối loạn các cơ chế này làm máu không trở về tim được, gây ứ trệ máu tại tĩnh mạch chân và gây ra suy tĩnh mạch.

Suy tĩnh mạch chân (suy tĩnh mạch chi dưới) được định nghĩa là tình trạng suy giảm chức năng của hệ tĩnh mạch chân do suy van tĩnh mạch (của hệ tĩnh mạch nông hoặc sâu hoặc cả hai). Giãn tĩnh mạch chân (giãn tĩnh mạch chi dưới) là sự giãn và chạy ngoằn ngoèo của các tĩnh mạch nông (kích thước tư thế đứng >3mm)

Hậu quả của ứ trệ máu tại chi dưới làm tăng áp lực tĩnh mạch từ đó ảnh hưởng đến tuần hoàn mao mạch và gây loạn dưỡng chi.

Suy tĩnh mạch chân có nguy hiểm không ?

Suy tĩnh mạch chân là bệnh tương đối lành tính, thường chỉ gây nên khó chịu khi hoạt động và ảnh hưởng tới thẩm mĩ trong những trường hợp nặng.

Suy tĩnh mạch chân
Suy tĩnh mạch chân

Nguyên nhân bệnh Suy tĩnh mạch chân

Suy tĩnh mạch tiên phát:

  • Do bất thường về các van tĩnh mạch: bờ tự do của van dài, sa van
  • Do các rối loạn về di truyền làm giãn tĩnh mạch vô căn

Suy tĩnh mạch thứ phát:

  • Nguyên nhân hàng đầu là do di chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới  (bệnh lí tĩnh mạch hậu huyết khối)
  • Do bị chèn ép: khối u, hội chứng Cockett
  • Do bị chèn ép về mặt huyết động: phụ nữ có thai

Triệu chứng bệnh Suy tĩnh mạch chân

  • Phù chân, mắt cá (có thể phù chỉ ở một bên chân có suy tĩnh mạch), đỡ phù khi kê cao chân
  • Đau chân khi đi lại và đỡ khi nghỉ ngơi
  • Cảm giác căng cứng bắp chân, ngứa
  • Chuột rút
  • Thay đổi màu sắc da do loạn dưỡng (da chuyển màu nâu) thường ở gần mắt cá chân
  • Có thể có các vết loét ở mặt trong cẳng chân, gần mắt cá nếu giai đoạn muộn
  • Giãn các tĩnh mạch nông

Đối tượng nguy cơ bệnh Suy tĩnh mạch chân

  • Tiền sử huyết khối tĩnh mạch sâu
  • Tuổi cao
  • Béo phì
  • Phụ nữ có thai
  • Tiền sử gia đình có người cũng mắc bệnh
  • Đứng nhiều, ngồi nhiều trong một thời gian dài (làm tăng áp lực tĩnh mạch ở chân theo thời gian)

Phòng ngừa bệnh Suy tĩnh mạch chân

  • Tránh đứng quá lâu, ngồi quá lâu, không ngồi với tư thế bắt chéo chân làm cản trở máu tĩnh mạch trở về
  • Tập luyện thể dục: đi bộ làm cơ bắp chân khỏe hơn, khả năng đẩy máu trở về được cải thiện
  • Nâng cao chân khi ngủ
  • Đeo tất áp lực
  • Chế độ dinh dưỡng: giảm chất béo, tăng cường chất xơ, tránh táo bón

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Suy tĩnh mạch chân

Ngoài thăm khám lâm sàng bằng các nghiệm pháp thủ thuật (Schwartz, Trendelenburg), siêu âm doppler mạch máu là thăm dò được dùng chủ yếu. Siêu âm doppler hệ tĩnh mạch có thể phát hiện được các dòng trào ngược, đánh giá mức độ suy van.

Các biện pháp điều trị bệnh Suy tĩnh mạch chân

Suy tĩnh mạch chân điều trị như thế nào? Hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong điều trị can thiệp cũng như phẫu thuật, có những phương pháp xâm lấn tối thiểu đã mang lại hiệu quả cao.

Điều trị thuốc

Phối hợp Flavonoid, Diosmin, Hesperidin (Daflon) có thể cải thiện được triệu chứng

Đeo tất áp lực

Sử dụng khi được chẩn đoán suy tĩnh mạch chi dưới, dự phòng khi phải đứng làm việc nhiều, trong thời gian mang thai.

Các biện pháp can thiệp

  • Đốt bằng sóng laser hoặc sóng có tần số radio: là phương pháp thường dùng nhất hiện nay. Ống thông được đưa vào tĩnh mạch tổn thương, dưới tác dụng của nhiệt độ tĩnh mạch sẽ bị phá hủy, khi đó máu ứ trệ ở chân sẽ giảm đi. Điều trị theo phương pháp này bệnh nhân có thể không cần nằm viện (ra viện trong ngày).
  • Tiêm xơ tĩnh mạch: thường dùng trong các trường hợp phức tạp. Hiện nay ít dùng. Chất gây xơ được tiêm vào trong tĩnh mạch nông, chất này làm tổn thương tĩnh mạch dẫn đến hình thành huyết khối làm tắc tĩnh mạch bị suy. Phương pháp này có thể có biến chứng nguy hiểm nếu tiêm vào động mạch làm tắc mạch cấp, có nguy cơ cắt cụt chi.

Phẫu thuật

  • Phẫu thuật Stripping: lấy toàn bộ tĩnh mạch hiển lớn, tĩnh mạch hiển nhỏ bị suy
  • Phẫu thuật CHIVA: đánh dấu vị trí tĩnh mạch có dòng trào ngược bằng siêu âm doppler sau đó thắt hoặc cắt bỏ các tĩnh mạch gây ra trào ngược.
  • Phẫu thuật Muller: khi có các tĩnh mạch nông giãn to ngoằn ngoèo, tiến hành các vết rạch nhỏ cạnh vị trí tĩnh mạch nông giãn, sau đó dùng dụng cụ chuyên dụng lấy bỏ các tĩnh mạch này.