Tổng quan bệnh Ung thư da đầu
Ung thư da đầu là một loại ung thư da, bệnh không phổ biến nhưng cũng không phải là hiếm gặp. Bệnh thường xảy ra ở vùng da đầu (từ phần cổ trở lên) nên dễ phát triển và di căn vào não, gây nguy cơ tử vong cao.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư da đầu có tỷ lệ mắc thấp hơn so với các loại u ác tính khác nhưng nguy hiểm hơn và tỷ lệ tử vong cao gần gấp 2 lần.
Nguyên nhân bệnh Ung thư da đầu
Ung thư da đầu được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
Tia tử ngoại: Đây là yếu tố nguy cơ chủ yếu của ung thư da đầu. Vùng da tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng ở cường độ mạnh và trong một thời gian dài là yếu tố bệnh sinh quan trọng nhất gây ung thư da đầu. Bệnh thường xảy ra ở những người làm việc ngoài trời: ngư dân, nông dân, công nhân cầu đường.
- Nhuộm tóc: Trong thuốc nhuộm chứa nhiều chất hóa học độc hại ảnh hưởng trực tiếp tới da đầu của cơ thể con người. Ngoài ra, các loại thuốc liên quan đến chăm sóc tóc như thuốc dưỡng tóc, thuốc hấp tóc… đều có sức mạnh càn phá da đầu rất lớn.
- Di truyền: bệnh có tính chất di truyền liên quan đến một số hội chứng như bệnh xơ da nhiễm sắc, hội chứng tế bào đáy dạng nơ-vi, hội chứng Gardner, hội chứng Torres
Triệu chứng bệnh Ung thư da đầu
Dấu hiệu ung thư da đầu tương đối dễ nhận biết so với các loại ung thư khác
- Xuất hiện các mụn nhỏ trên bề mặt da đầu, những nốt sần sùi …
- Xuất hiện rất nhiều gàu, đặc biệt là gàu nhớt, gàu ướt hay các loại bã nhờn trên tóc.
- Rụng tóc nhiều và tăng dần mỗi ngày
- Cảm giác khó chịu, ngứa ngáy khắp đầu, bệnh nhân luôn cảm thấy muốn gội đầu nhưng sau khi gội vẫn cảm thấy ngứa và bứt rứt.
- Khối u tiến triển nhanh, loét sùi lan theo bề mặt nông, u có thể xâm lấn vào xương sọ, biến dạng và bội nhiễm.
- Ung thư da đầu hay di căn hạch khu vực vùng cổ, vùng chẩm, hạch trước tai, hạch dưới cằm, dưới hàm. Hạch di căn có đặc điểm to, chắc, đơn độc hoặc dính thành đám, hạch di động hoặc cố định
Ung thư da đầu được chia làm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Khối u nhỏ hơn hay bằng 2 cm, nông lồi; chưa có di căn hạch và di căn xa
- Giai đoạn 2: Khối u nhỏ hơn hay chưa vượt quá 5 cm, hoặc u nhỏ hơn hay bằng 2 cm chớm thâm nhiễm bì; chưa có di căn hạch và di căn xa
- Giai đoạn 3: Khối u trên 5cm hoặc u nhỏ hơn nhưng thâm nhiễm vào trung bì hoặc khối u kích thước bất kỳ nhưng có di căn 1 hạch vùng cùng bên với tổn thương
- Giai đoạn 4: Khối u xâm lấn sụn, xương, có di căn hạch 2 bên hoặc di căn xa.
Ung thư da đầu xếp theo độ mô học bao gồm:
- Gx: Không xếp được độ mô học
- G1: Ung thư biểu mô biệt hóa cao
- G2: Ung thư biểu mô biệt hóa vừa
- G3: Ung thư biểu mô biệt hóa thấp
- G4: Ung thư biểu mô không biệt hóa
Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư da đầu
- Công nhân làm việc ngoài trời tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Người tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại vùng da đầu: nhuộm tóc, dùng keo xịt tóc, thuốc dưỡng tóc…
- Người mắc các hội chứng di truyền như Gardner, hội chứng Torres
Phòng ngừa bệnh Ung thư da đầu
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, không tắm nắng vào khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ, chỉ nên tắm nắng vào buổi sáng sớm, không để cháy nắng da.
- Người làm việc ngoài trời cần có bảo hộ lao động như dùng mũ,nón, quần áo dài tay hoặc che ô tránh nắng.
- Không lạm dụng dùng quá đà các loại sản phẩm chứa hóa chất như thuốc xịt, keo vuốt tóc, thuốc nhuộm tóc
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư da đầu
Chẩn đoán ung thư da dựa vào triệu chứng lâm sàng và kết quả giải phẫu bệnh
Dấu hiệu ung thư da đầu sớm bao gồm:
- Ổ loét lâu liền hoặc rớm máu
- Ổ dày sừng có loét, nổi cục và dễ chảy máu
- Ổ loét hoặc u trên nền sẹo cũ
- Nốt đỏ mạn tính có loét
Sinh thiết tổn thương chẩn đoán mô bệnh học: là tiêu chuẩn chẩn đoán xác định bệnh.
Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư da đầu
Nguyên tắc điều trị
- Dựa vào mô bệnh học, vị trí u, mức độ lan rộng, giai đoạn bệnh.
- Điều trị triệt căn ung thư da đầu chủ yếu bằng phẫu thuật. Cần cắt bỏ rộng u, vét hạch một cách hệ thống khi có di căn.
Phẫu thuật ung thư da đầu
Nguyên tắc phẫu thuật là lấy u đủ rộng, đảm bảo diện cắt xung quanh không còn tế bào ung thư. Cần cân nhắc các yếu tố: Vị trí, kích thước, mức độ thâm nhiễm, bề rộng của khối u
Tia xạ
- Xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật ung thư da đầu được chỉ định với mục đích ngăn tái phát tại chỗ, tại vùng.
- Các trường hợp di căn hạch, sau vét hạch cần xạ trị bổ trợ với liều xạ khoảng 55-60 Gy.
Hóa chất:
- Hóa chất trước phẫu thuật được chỉ định đối với ung thư da có độ ác tính mô học cao.
- Hóa chất sau phẫu thuật giúp giảm khả năng tái phát và di căn.
- Trường hợp ung thư lan rộng không thể phẫu thuật, hóa chất đơn thuần hoặc hóa xạ trị đồng thời nhằm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng sống