Viêm gan A gây ra bởi vi-rút ARN lây truyền qua đường ruột, ở trẻ lớn và người lớn, bệnh sẽ gây ra các triệu chứng điển hình của viêm gan vi-rút, bao gồm chán ăn, khó chịu và vàng da. Trẻ nhỏ có thể không có triệu chứng. Viêm gan tối cấp và tử vong do bệnh khá hiếm gặp ở các nước phát triển. Viêm gan mạn tính không xảy ra. Chẩn đoán bằng xét nghiệm kháng thể. Điều trị hỗ trợ là chủ yếu. Tiêm phòng và lây nhiễm trước đó có tác dụng dự phòng.
Nội dung
Tổng quan bệnh Viêm gan A
Viêm gan A là bệnh gan gây ra do virus, có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Virus viêm gan A (Hepatitis A Virus – HAV) được truyền thông qua đường tiêu hóa, từ nguồn thức ăn và nước uống nhiễm bẩn. Hầu hết người bệnh hồi phục hoàn toàn và có được miễn dịch với bệnh suốt đời. Nguy cơ mắc bệnh viêm gan A liên quan đến sự thiếu hụt nước sạch và môi trường bị nhiễm bẩn. Hiện nay đã có vaccine phòng bệnh viêm gan A hiệu quả và an toàn.
Bệnh viêm gan A là bệnh do virus làm tổn thương tế bào biểu mô gan và suy giảm chức năng gan. Đây là một bệnh lây nhiễm từ người sang người theo đường phân miệng do nguồn nước bị nhiễm bẩn, thực phẩm nhiễm virus nhưng chưa được nấy kỹ.
Không giống viên gan B virus viêm gan A không gây ra bệnh cảnh viêm gan mạn tính, tức là tình trạng viêm gan không kéo dài quá 6 tháng và rất hiếm khi gây chết người. Một tỷ lệ nhỏ tử vong trong bối cảnh của suy gan cấp tính. Bệnh viêm gan A hoàn toàn có thể được điều trị khỏi sau 2-4 tuần. Các cách phòng bệnh viêm gan A cũng tỏ ra có hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh.
Bệnh viêm gan A thường gặp ở các nước đang phát triển và các vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam, bệnh lưu hành rải rác, tập trung ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là nơi có điều kiện vệ sinh kém. Hơn 90% người trưởng thành nhiễm virus viêm gan A ít nhất một lần trong đời, hầu hết không có triệu chứng bệnh viêm gan A. Vì thế hầu hết những người trưởng thành đã có kháng thể tự nhiên bảo vệ chống lại bệnh viêm gan A suốt đời.
Nguyên nhân bệnh Viêm gan A
Tác nhân gây bệnh là virus viêm gan A. Loại virus này thường tồn tại trong thức ăn, nước uống, đồ dùng gia đình, vật dụng sinh hoạt cá nhân, trong môi trường đất và nước.
Ở người mắc bệnh viêm gan A, virus được tìm thấy nhiều nhất trong phân, và cả trong nước bọt, nước tiểu. Các chất thải của người bệnh được thải ra ngoài sẽ làm ô nhiễm môi trường xung quanh, phát tán virus rộng rãi. Những đường lây lan chính của virus viêm gan A bao gồm:
- Ăn thức ăn chế biến bởi người bị viêm gan A không rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh;
- Uống nước ở nguồn nước ô nhiễm;
- Ăn sò, ốc sinh sống ở nguồn nước ô nhiễm;
- Tiếp xúc thường xuyên với người bệnh viêm gan A;
- Quan hệ tình dục với người đang mang virus.
Triệu chứng bệnh Viêm gan A
Một số người không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào khi mắc bệnh. Nếu có triệu chứng, thường khoảng sau 2 đến 6 tuần sau khi virus xâm nhập vào cơ thể, người bệnh sẽ có các biểu hiện:
- Vàng da
- Vàng tròng trắng mắt
- Phân nhạt màu, thường có màu xám
- Nước tiểu màu nâu sẫm
- Đau bụng
Ngoài ra còn xuất hiện một số triệu chứng toàn thân như:
- Ngứa ngáy toàn thân.
- Sốt nhẹ
- Mệt mỏi
- Biếng ăn
- Buồn nôn, nôn mửa
Đường lây truyền bệnh Viêm gan A
Để trả lời cho câu hỏi bệnh viêm gan A có lây không, cần hiểu được phương thức và đường lây truyền của virus viêm gan A. Virus viêm gan A thường được tìm thấy trong phân của những người bị nhiễm bệnh, ngoài ra còn hiện diện trong các chất tiết khác như nước bọt, nước tiểu. Bất kỳ hành động nào làm lây lan các chất tiết chứa virus từ người này sang người khác đều làm cho đối phương bị nhiễm virus và có thể gây nên bệnh viêm gan A.
Bệnh viêm gan A không lây truyền qua máu vì có rất ít virus trong máu. Đường phân – miệng là con đường lây lan chính của bệnh. Ăn thức ăn, thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh, uống nước bị nhiễm bệnh, bơi lội trong ao hồ, bể bơi bị nhiễm bệnh hoặc ăn chung thức ăn, sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân như khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng với người bệnh có thể gây lây truyền bệnh viêm gan A.
Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm gan A
Bất cứ ai cũng có thể bị viêm gan A. Tuy nhiên một số người có nhiều rủi ro hơn, như những người:
- Môi trường sinh sống kém vệ sinh
- Thiếu nguồn nước sạch
- Sử dụng thuốc kích thích
- Sống chung hoặc có quan hệ tình dục với người mắc bệnh, bao gồm cả quan hệ tình dục đồng giới nam.
- Trực tiếp chăm sóc cho người bị bệnh viêm gan A.
- Đi du lịch hoặc làm việc tại những vùng miền có tỉ lệ viêm gan A cao.
Phòng ngừa bệnh Viêm gan A
Cách phòng bệnh viêm gan A:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và chế biến thức ăn. Luôn luôn rửa tay thật kỹ với xà bông và nước trong ít nhất 20 giây.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nguồn nước.
- Xử lý tốt phân, chất thải của người bệnh.
- Nấu chín thức ăn, không ăn sống động vật hoặc nấu chưa chín. Virus viêm gan A bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao.
- Không dùng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân (vật dụng ăn uống, khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, xô, chậu…) với người có bệnh.
Ngoài ra bạn cần tiêm vacxin viêm gan A nếu:
- Đi du lịch hoặc làm việc tại một quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan A cao như các nước ở châu Phi, ở vùng Trung và Nam Mỹ
- Sống tại một khu vực có mức viêm gan A cao
- Đang mắc bệnh gan cả đời.
- Mắc bệnh liên quan đến các rối loạn đông cầm máu
- Có quan hệ tình dục đồng tính nam
- Chủng ngừa Immunoglobulin nếu là người chăm sóc trực tiếp hoặc tiếp xúc với người viêm gan A mà chưa tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan A.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm gan A
Triệu chứng lâm sàng bệnh viêm gan A thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các tác nhân gây viêm gan khác. Việc chẩn đoán xác định bệnh dựa trên xét nghiệm máu là chủ yếu. Một mẫu máu tĩnh mạch sẽ được lấy ra và đi làm xét nghiệm tìm kiếm sự hiện diện của kháng thể kháng HAV IgM. Một xét nghiệm chuyên dụng hơn để phát hiện vật chất di truyền của virus trong máu như PCR giúp chẩn đoán xác định bệnh.
Các biện pháp điều trị bệnh Viêm gan A
Đối với bệnh viêm gan A điều trị chỉ giúp nâng đỡ thể trạng và giải quyết các triệu chứng. Không có phương pháp đặc hiệu để điều trị viêm gan A. Cơ thể người bệnh sẽ tự đào thải virus viêm gan A sau vài tuần mà không cần chữa trị. Bệnh nhân có thể được chăm sóc ở nhà mà không cần phải nhập viện
Đối với bệnh viêm gan A: Đây là một căn bệnh ngắn hạn vì thế cách điều trị sẽ đơn giản hơn. Nếu bạn có triệu chứng nôn mửa hoặc tiêu chảy, hãy đến phòng khám để được kê toa và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tiêm ngừa viêm gan A có thể giúp ngăn ngừa bệnh.
Trong khi đang mắc bệnh viêm gan A, bệnh nhân cần:
- Nghỉ ngơi
- Ăn uống thức ăn giàu chất dinh dưỡng
- Tránh sự tiếp xúc thân mật với người khác
- Thường xuyên đến gặp bác sĩ để theo dõi tiến triển của bệnh.