Viêm phế quản cấp là tình trạng viêm của cây khí phế quản, thường theo sau các nhiễm trùng đường hô hấp trên, xảy ra ở những bệnh nhân không có các bệnh phổi mãn tính. Nguyên nhân hầu hết là do nhiễm virus. Mầm bệnh ít khi được xác định. Triệu chứng phổ biến nhất là ho, có hoặc không sốt, và có thể là ho có đờm. Chẩn đoán dựa trên thăm khám lâm sàng. Điều trị là điều trị hỗ trợ; kháng sinh thường không cần thiết. Tiên lượng rất tốt.
Nội dung
Tổng quan bệnh Viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản là gì? Đó là bệnh lý xảy ra ở đường hô hấp dưới biểu hiện bằng tình trạng viêm lớp niêm mạc ống phế quản.Viêm phế quản được chia ra làm 2 loại:
- Viêm phế quản cấp tính : thường diễn ra trong thời gian ngắn, có thể kéo dài vài tuần.
- Viêm phế quản mãn tính: có thể kéo dài hàng tháng hoặc qua năm này, năm khác.
Nguyên nhân bệnh Viêm phế quản
- Viêm phế quản cấp tính: Nguyên nhân gây bệnh ban đầu thường do nhiễm virus. Các virus này có thể lây lan trong không khí khi người ta ho hay qua tiếp xúc trực tiếp. Bên cạnh đó, viêm phế quản cấp tính có thể do bị bội nhiễm vi khuẩn hay gặp nhất là phế cầu khuẩn, H.influenzae, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn …
- Viêm phế quản mạn tính: Nguyên nhân chủ yếu nhất do người bệnh hút thuốc lá. Ngoài ra việc hít phải bụi bẩn, tiếp xúc với không khí ô nhiễm, khói bụi cũng được coi là yếu tố nguy cơ làm nặng thêm bệnh lý viêm phế quản.
Triệu chứng bệnh Viêm phế quản
Các triệu chứng thường gặp của viêm phế quản bao gồm:
- Ho, ho có đờm.
- Ho dai dẳng kéo dài.
- Thở khò khè.
- Khó thở, tức ngực.
- Sốt, mệt mỏi.
Đường lây truyền bệnh Viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản có lây không? Người khoẻ mạnh khi tiếp xúc với người bị viêm phế quản có nguy cơ nhiễm phải virus hoặc vi khuẩn lây truyền qua không khí, khi người bệnh ho hoặc hắt hơi hay qua các dịch hô hấp như nước bọt, đờm từ đó ổ bệnh dễ hình thành và gây ra tình trạng viêm nhiễm.
Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản là một bệnh lý phổ biến. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Những đối tượng sau làm tăng nguy cơ bệnh viêm phế quản :
- Người nghiện hút thuốc lá.
- Người hay tiếp xúc với nguồn không khí bị ô nhiễm, hít phải hơi độc, bụi bẩn hoặc người thường xuyên làm việc với các chất gây kích thích đường hô hấp như bông dệt, khói hoá học.
- Người có sức đề kháng yếu hoặc người mắc bệnh mãn tính gây suy giảm hệ thống miễn dịch.
- Yếu tố tuổi tác : người cao tuổi có nguy cơ nhiễm trùng cao vì vậy dễ mắc bệnh hơn. Đặc biệt cần lưu ý bệnh viêm phế quản ở trẻ em. Bệnh này rất thường xuyên gặp ở trẻ em, ở bất kì độ tuổi nào. Môi trường ô nhiễm hoặc thời tiết thay đổi là những tác nhân tạo điều kiện cho bệnh phát sinh. Khởi đầu bệnh có thể do virus gây nên, trẻ bị viêm đường hô hấp trên, cúm, cảm lạnh, ho, sổ mũi …kéo dài nếu không được điều trị sớm, dứt điểm cộng thêm sức đề kháng yếu dễ chuyển thành viêm phế quản.
Phòng ngừa bệnh Viêm phế quản
Đối với người lớn:
- Không hút thuốc lá.
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
- Hạn chế tiếp xúc với khói bụi, khí độc và các nguồn không khí ô nhiễm.
- Xây dựng môi trường sống không bụi bẩn, không khói thuốc lá.
- Làm sạch không khí trong nhà: sử dụng điều hoà không khí, máy làm ẩm.
Đối với trẻ em:
- Giữ ấm cho trẻ, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.
- Điều trị kịp thời, dứt điểm khi trẻ bị viêm mũi họng, viêm amidan, cảm lạnh … để tránh biến chứng.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm phế quản
- Thăm khám dựa vào các dấu hiệu lâm sàng : ho, ho có đờm, dai dẳng, kéo dài, thở khò khè, tức ngực, sốt … Sử dụng ống nghe để nghe âm thanh thở của người bệnh đồng thời phát hiện các âm thanh khác bất thường ở phổi.
- Chụp Xquang ngực.
- Xét nghiệm đờm: Xác định xem có nhiễm virus trong đờm hay có sự xuất hiện của vi khuẩn không.
- Kiểm tra đánh giá chức năng phổi: Đo lượng không khí mà phổi có thể giữ được và tốc độ đẩy không khí ra khỏi phổi.
Các biện pháp điều trị bệnh Viêm phế quản
Điều trị viêm phế quản cấp tính:
- Nếu viêm phế quản do bội nhiễm vi khuẩn hoặc ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh.
- Ho dai dẳng, kéo dài gây tổn thương cổ họng cần dùng thuốc giảm ho.
- Kết hợp một số thuốc khác : giúp giảm tình trạng viêm và dị ứng.
Điều trị viêm phế quản mạn tính:
- Tiến hành phục hồi chức năng bằng việc xây dựng các bài tập thể dục phù hợp giúp thở dễ dàng hơn.
Đối với trẻ em bị mắc bệnh viêm phế quản:
- Chỉ dùng kháng sinh khi chắc chắn trẻ bị viêm phế quản do bội nhiễm vi khuẩn.
- Tích cực hút đờm cho trẻ khi ho có nhiều đờm, bác sĩ có thể kê thêm thuốc loãng đờm cho trẻ và trẻ cần được uống nhiều nước.
- Giữ cho không khí trong nhà luôn sạch, không bụi bẩn và không khói thuốc giúp phòng bệnh cho trẻ.
- Giữ ấm cơ thể cho trẻ, tránh trẻ bị nhiễm lạnh khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh đột ngột.
- Điều trị kịp thời, dứt điểm khi trẻ bị viêm mũi họng, viêm amidan để phòng tránh biến chứng gây viêm phế quản.
- Giãn phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Ung thư phế quản phổi nguyên phát: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Khí phế thũng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Hen phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Bệnh áp xe phổi-Biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả