Viêm tuyến nước bọt là nhiễm khuẩn tại tuyến nước bọt, thường là do sỏi gây tắc ống tuyến hoặc tuyến bị giảm bài tiết nước bọt. Triệu chứng là sưng, nóng, đỏ và đau. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng. CT, siêu âm và MRI có thể giúp xác định nguyên nhân. Điều trị bằng kháng sinh.
Nội dung
- Tổng quan bệnh Viêm tuyến nước bọt
- Nguyên nhân bệnh Viêm tuyến nước bọt
- Triệu chứng bệnh Viêm tuyến nước bọt
- Đường lây truyền bệnh Viêm tuyến nước bọt
- Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm tuyến nước bọt
- Phòng ngừa bệnh Viêm tuyến nước bọt
- Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm tuyến nước bọt
- Các biện pháp điều trị bệnh Viêm tuyến nước bọt
Tổng quan bệnh Viêm tuyến nước bọt
Hệ thống tuyến nước bọt trong cơ thể người bao gồm: tuyến nước bọt mang tai, tuyến nước bọt dưới hàm, tuyến nước bọt dưới lưỡi và nhiều tuyến nước bọt nhỏ rải rác khắp niêm mạc miệng. Tuyến nước bọt tiết ra nước bọt hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa thức ăn, rửa sạch vi khuẩn và thức ăn thừa, giữ cho khoang miệng luôn sạch và ẩm ướt
Bệnh viêm tuyến nước bọt là tình trạng viêm nhiễm của các tuyến nước bọt, phần lớn là viêm tuyến nước bọt mang tai và viêm tuyến nước bọt dưới hàm. Thông thường, bệnh chỉ khu trú tại tuyến nước bọt với biểu hiện điển hình sưng đau tuyến nước bọt bị viêm, đau tăng khi ăn và diễn tiến lành tính. Bệnh viêm tuyến nước bọt hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tỷ lệ mắc bệnh như nhau ở nam và nữ nhưng nam giới mắc bệnh thường phải đối mặt với nhiều biến chứng hơn.
Nguyên nhân bệnh Viêm tuyến nước bọt
Tác nhân gây bệnh viêm tuyến nước bọt rất đa dạng, có thể là vi khuẩn, virus, hoặc một số bệnh lý khác. Các tác nhân gây bệnh tấn công các tuyến nước bọt, làm giảm lượng nước bọt tiết ra đưa đến hậu quả nhiễm trùng các ống tuyến.
- Vi khuẩn: là tác nhân thường gặp nhất. Staphylococcus aureus là vi khuẩn gây bệnh phổ biến nhất. Các loại vi khuẩn khác cũng gây viêm tuyến nước bọt như: liên cầu khuẩn, Haemophilus Influenza, E.coli.
- Virus cúm A, Herpes, quai bị hay HIV cũng có thể gây nhiễm trùng các tuyến nước bọt. Trong đó viêm tuyến nước bọt do quai bị là hay gặp nhất và ai trong đời cũng bị ít nhất một lần.
- Các bệnh lý như sỏi tuyến nước bọt, bệnh u hạt, suy dinh dưỡng, hội chứng Sjogren (là một bệnh lý miễn dịch gây khô miệng), khối u vùng đầu mặt cổ … cũng làm giảm tiết nước bọt và gây nên bệnh viêm tuyến nước bọt.
Triệu chứng bệnh Viêm tuyến nước bọt
Khi bị viêm tuyến nước bọt, người bệnh thường than phiền về các triệu chứng xuất hiện ngay tại tuyến nước bọt bị viêm và vùng răng miệng như:
- Sưng đau tuyến nước bọt: vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to và đau, lan rộng ra các vùng xung quanh, ấn vùng tuyến mang tai thấy đau tăng và có thể thấy mủ chảy ra ở miệng ống Stenon, là lỗ đổ nước bọt vào khoang miệng của tuyến mang tai.
- Khô miệng, niêm mạc miệng quanh ống Stenon có thể sưng đỏ, hôi miệng
- Nói và nuốt đau
- Sưng hạch phản ứng ở góc hàm hoặc hạch sau tai cùng bên với tuyến bị viêm.
- Một số trường hợp bệnh nhân có thể sốt nhẹ, nhiệt độ dao động từ 38 – 39 độ, mạch nhanh, mệt mỏi.
Viêm tuyến nước bọt rất ít khi gây ra các biến chứng. Tuy nhiên, nếu tình trạng nhiễm trùng tuyến nước bọt không được điều trị, mủ có thể tích tụ và tạo áp xe trong tuyến nước bọt.
- Nếu không được điều trị đúng và kịp thời, viêm tuyến nước bọt sẽ diễn tiến thành bệnh viêm tuyến nước bọt mãn tính và tái phát nhiều lần. Tuyến nước bọt mang tai khi bị viêm nhiều lần sẽ phì đại tăng kích thước và không nhỏ lại được, làm biến dạng khuôn mặt của người bệnh.
- Đối với những bệnh nhân mắc bệnh viêm tuyến nước bọt có biến chứng, nhất là ở nam giới có thể có những biểu hiện của viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm não, điếc, …
Đường lây truyền bệnh Viêm tuyến nước bọt
Viêm tuyến nước bọt là bệnh có khả năng lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt bắn ra từ miệng bệnh nhân. Với tính chất dễ lây lan, bệnh có thể khởi phát thành những đợt dịch nhỏ vào mùa đông xuân, cao điểm vào tháng giêng.
Giai đoạn xâm nhập kéo dài khoảng 24-36 giờ khi bệnh nhân có những triệu chứng đặc trưng của bệnh là giai đoạn lây nhiễm mạnh nhất. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể lây nhiễm trong giai đoạn ủ bệnh từ 18 đến 21 ngày, khi chưa có bất kỳ triệu chứng gì.
Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm tuyến nước bọt
Các đối tượng dễ mắc bệnh viêm tuyến nước bọt bao gồm:
- Người già, lớn hơn 65 tuổi
- Vệ sinh răng miệng không thường xuyên
- Không tiêm chủng phòng ngừa bênh quai bị, thường gặp ở trẻ em.
Một số bệnh lý đóng vai trò là các yếu tố thuận lợi gây nhiễm trùng các tuyến nước bọt như:
- AIDS
- Hội chứng Sjogren
- Bệnh tiểu đường
- Suy dinh dưỡng
- Bệnh nghiện rượu
Phòng ngừa bệnh Viêm tuyến nước bọt
Không có cách nào để phòng ngừa được bệnh viêm tuyến nước bọt. Một số cách có thể giảm thiểu được tỷ lệ mắc bệnh như:
- Tiêm chủng phòng ngừa virus quai bị cho trẻ em
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt, uống nhiều nước.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, duy trì củng cố một hệ miễn dịch tốt.
- Không ăn chung, uống chung với những người đang bị viêm tuyến nước bọt.
- Đến khám và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để điều trị dứt điểm các đợt viêm tuyến nước bọt cấp là cách phòng tránh bệnh tiến triển mãn tính, gây ảnh hưởng kéo dài lên đời sống của người bệnh.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm tuyến nước bọt
Bệnh viêm tuyến nước bọt thường được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng điển hình: sưng đau các tuyến nước bọt bị viêm, đau tăng khi ăn và nói; kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng sau:
- Kiểm tra nước bọt hoặc sinh thiết lấy mẫu mô của các tuyến nước bọt xem có vi khuẩn hay không
- Siêu âm tuyến nước bọt tìm kiếm hình ảnh tuyến nước bọt phù nề, hoặc có hay không các bệnh lý kèm theo gây nhiễm trùng tuyến như sỏi tuyến nước bọt
- Chụp CT scan, cộng hưởng từ MRI để phát hiện các bệnh lý gây nhiễm trùng tuyến nước bọt.
Các biện pháp điều trị bệnh Viêm tuyến nước bọt
Việc quyết định phương pháp điều trị viêm tuyến nước bọt phụ thuộc vào triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải, mức độ nhiễm trùng và các bệnh lý tiềm ẩn.
Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn có thể chữa lành khi sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau phối hợp với các phương pháp điều trị không dùng thuốc mà không cần dùng đến phẫu thuật như:
- Uống nhiều nước, nên kết hợp với chanh để kích thích tiết nước bọt giúp cho tuyến nước bọt sạch sẽ.
- Chườm ấm vào các tuyến bị viêm.
- Súc miệng bằng nước muối ấm.
- Nếu bệnh nhân có biến chứng áp xe tuyến nước bọt cần tiến hành chọc hút, dẫn lưu mủ.
- Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến mang tai hoặc dưới hàm được đặt ra trong bệnh viêm tuyến nước bọt mãn tính, tái phát nhiều lần.
- Ung thư tuyến nước bọt: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- U tuyến nước bọt: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- U tuyến thượng thận: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Hội chứng Sjogren: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Suy tuyến thượng thận: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị