Rau cài răng lược là rau bám bất thường, dẫn đến trì hoãn sổ rau thai. Chức năng rau là bình thường, nhưng xâm nhập túi phôi kéo dài vượt ranh giới bình thường (gọi là lớp Nitabuch). Trong những trường hợp như vậy, việc lấy bỏ rau thủ công bằng tay, trừ khi được làm rất tỉ mỉ, sẽ dẫn đến chảy máu tràn ngập sau sinh. Chẩn đoán trước sinh bằng siêu âm. Điều trị thường là cắt tử cung sau mổ lấy thai.
Nội dung
Tổng quan bệnh Nhau cài răng lược
Nhau cài răng lược là như thế nào?
Nhau cài răng lược là một thuật ngữ y học mô tả bệnh cảnh lâm sàng khi một phần hay toàn bộ bánh nhau bám chặt và không thể tách rời khỏi thành tử cung. Ở trạng thái bình thường, sau khi sinh, bánh nhau sẽ tự động tách khỏi thành tử cung và đẩy ra ngoài. Nhưng trong trường hợp bị nhau cài răng lược thì bánh nhau bám chặt vào cơ tử cung, thậm chí có thể xâm lấn các cơ quan xung quanh. Đây là nguyên nhân gây ra các tình trạng như băng huyết sau sinh, rối loạn đông cầm máu, hoặc thậm chí gây tử vong cho sản phụ.
Dựa trên mức độ xâm lấn của bánh nhau, có thể chia nhau cài răng lược thành 3 thể chính:
- Accreta: thể nhẹ, bánh nhau bám trực tiếp lên bề mặt tử cung (chiếm 79% các trường hợp).
- Increta: thể trung bình, bánh nhau xâm nhập sâu vào trong cơ tử cung nhưng chưa qua khỏi lớp thanh mạc tử cung (chiếm 14% các trường hợp).
- Percreta: thể nặng, bánh nhau xâm lấn xuyên qua lớp thanh mạc tử cung và xâm lấn đến những cơ quan lân cận như ruột hay bàng quang (chiếm 7% các trường hợp).
Nhau cài răng lược có nguy hiểm không?
Nhau cài răng lược là một tai biến sản khoa hiếm gặp nhưng nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng cho cả mẹ và bé.
Nguyên nhân bệnh Nhau cài răng lược
Nguyên nhân nhau cài răng lược đến nay vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng tai biến này liên quan đến những biến đổi bất thường ở thành niêm mạc tử cung của người mẹ, thường là hậu quả của việc đẻ mổ hoặc các phẫu thuật tử cung khác trước đó.
Triệu chứng bệnh Nhau cài răng lược
Nhau cài răng lược thường không có dấu hiệu hoặc gây triệu chứng gì cho người mẹ trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, một vài trường hợp có thể có xuất huyết âm đạo trong thời kỳ tam cá nguyệt cuối (tuần thai từ 28-40).
Đối tượng nguy cơ bệnh Nhau cài răng lược
Những trường hợp có nguy cơ cao bị nhau cài răng lược bao gồm:
- Những người nạo thai nhiều lần.
- Người có tiền sử viêm nhiễm niêm mạc tử cung.
- Các mẹ bầu bị nhau thai tiền đạo (nhau phát triển từ phần dưới, phần thấp nhất của tử cung).
- Người mẹ có tiền căn sẹo mổ trên tử cung do mổ lấy thai, mổ bóc u xơ tử cung,…
- Nhóm sản phụ có độ tuổi cao trên 35 tuổi.
- Nhóm sản phụ có số lần sinh con nhiều cũng có nguy cơ cao mắc nhau cài răng lược.
Phòng ngừa bệnh Nhau cài răng lược
Đối với nhau cài răng lược, người mẹ có thể tham khảo các cách sau để giảm thiểu nguy cơ:
- Tránh nạo phá thai hay phẫu thuật trên tử cung nhiều lần.
- Khám thai định kỳ và theo dõi trong suốt thai kỳ để hạn chế tối đa rủi ro của chứng bệnh này.
- Có kế hoạch dự định sinh nở phù hợp.
- Hạn chế sinh mổ, chỉ nên sinh mổ khi có chỉ định của bác sĩ.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nhau cài răng lược
Hiện nay, nhau cài răng lược có thể được chẩn đoán trong thời kỳ mang thai dựa trên một số phương pháp sau:
- Siêu âm thai: siêu âm có thể giúp phát hiện sớm nhau cài răng lược cũng như tình trạng nhau cài răng lược ở mức độ nào, nguy hiểm đến đâu. Thông thường, trong tam cá nguyệt cuối, các bác sĩ sẽ chủ động siêu âm nhau cài răng lược để kiểm tra kỹ hơn tình trạng nhau thai, xem bánh nhau có bám sâu vào thanh mạc tử cung không để từ đó đưa ra phương án xử lý phù hợp.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Phương pháp này được sử dụng khi siêu âm không phù hợp với lâm sàng hoặc chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị nhau cài răng lược cũng phát hiện khi siêu âm thai. Nhiều trường hợp sau khi sinh, nhận thấy nhau thai không bong ra được như bình thường, các bác sĩ mới chẩn đoán tình trạng này. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nên chọn các cơ sở y tế uy tín, chất lượng, có đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn và cơ sở vật chất hiện đại để đảm bảo an toàn cho quá trình sinh nở.
Các biện pháp điều trị bệnh Nhau cài răng lược
Sau khi phát hiện nhau cài răng lược, các bác sĩ sẽ đưa ra phương án xử lý dựa trên các tiêu chí sau:
- Tình trạng sức khoẻ của sản phụ.
- Vị trí nhau bám.
- Mức độ xâm lấn của nhau vào cơ tử cung.
- Diện tích nhau bám.
Trường hợp có chẩn đoán chủ động trước sinh:
- Khi siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ phát hiện thấy nhau bám quá chặt, xâm lấn các cơ quan lân cận, các bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy em bé, để nguyên nhau vì nếu cố bóc nhau sẽ làm mất máu trầm trọng khiến tử cung và các cơ quan xung quanh bị tổn thương.
- Khi nhau cài răng lược ở mức độ nhẹ hơn: có thể chỉ cần sinh mổ, cố gắng lấy phần nhau thai bong ra được, phần nhau không lấy được sau đó sẽ dùng thuốc để diệt. Những ca phẫu thuật mổ sinh có nhau cài răng lược là những ca mổ khó, yêu cầu tay nghề cao để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra.
Trường hợp có chẩn đoán sau sinh:
Nếu thấy nhau không bong ra tự nhiên sau khi em bé sinh ra, các bác sĩ sẽ nghi ngờ và tiến hành chẩn đoán có nhau cài răng lược. Dựa trên tình trạng nhau bám và mức độ mất máu của người mẹ, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị cụ thể. Nhiều trường hợp phải tiến hành cắt bỏ tử cung, thậm chí nếu nhau đã xâm lấn bàng quang hay trực tràng thì phải cắt bỏ một phần các bộ phận này. Các trường hợp nhẹ hơn thì sản phụ chỉ cần được bồi hoàn máu và tử cung tự cầm máu.