Tuyến tiền liệt hay còn gọi là tiền liệt tuyến là một tuyến nhỏ thuộc hệ sinh dục nam, có trọng lượng khoảng 20gr. Tuyến nằm ngay ở cửa ngõ của bàng quang, bao quanh ống niệu đạo (đường đi tiểu).
Nội dung
- Tổng quan bệnh Phì đại tiền liệt tuyến
- Nguyên nhân bệnh Phì đại tiền liệt tuyến
- Triệu chứng bệnh Phì đại tiền liệt tuyến
- Đối tượng nguy cơ bệnh Phì đại tiền liệt tuyến
- Phòng ngừa bệnh Phì đại tiền liệt tuyến
- Các biện pháp chẩn đoán bệnh Phì đại tiền liệt tuyến
- Các biện pháp điều trị bệnh Phì đại tiền liệt tuyến
Tổng quan bệnh Phì đại tiền liệt tuyến
Phì đại tiền liệt tuyến (BHP – Benign prostatic hyperplasia) có các tên gọi khác như u xơ tiền liệt tuyến, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt lành tính, phì đại nhiếp tuyến.
Tiền liệt tuyến là một tuyến nhỏ kích thước khoảng 10-20 gr chỉ có ở nam giới, nằm sát dưới cơ bàng quang bao quanh lấy đoạn niệu đạo chỗ nối với cổ bàng quang. Tiền liệt tuyến có chức năng chính là sản xuất ra chất dịch giúp cho quá trình sinh sản của nam giới, ngoài ra tiền liệt tuyến còn giữ độc tố, vi khuẩn, hóa chất không để đi vào đường tiết niệu.
Phì đại tiền liệt tuyến là sự gia tăng kích thước của tuyến tiền liệt ở độ tuổi trung niên và già, chèn ép vào niệu đạo và bàng quang gây ra rối loạn tiểu tiện như: tiểu khó, bí tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu ngập ngừng, tiểu không hết bãi và các biến chứng như nhiễm trùng tiết niệu, suy giảm chức năng thận,… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Phì đại tiền liệt tuyến bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 30 tuy nhiên sau độ tuổi 50 mới xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Một số ít xuất hiện ở người trẻ tuổi. Bệnh ngày càng gia tăng theo độ tuổi, hơn 50% nam giới trên 50 tuổi mắc bệnh này.
Phì đại tiền liệt tuyến là bệnh lành tính có thể chữa khỏi hoàn toàn không dẫn đến ung thư tiền liệt tuyến. Tuy nhiên ung thư tiền liệt tuyến có thể phát hiện đồng thời cùng với phì đại tiền liệt tuyến.
Nguyên nhân bệnh Phì đại tiền liệt tuyến
Nguyên nhân gây bệnh chưa thực sự rõ ràng. Theo một số nghiên cứu chỉ ra rằng do về già chức năng sinh dục yếu dần đi mất cân bằng hormone sinh dục: giảm testosterol và tăng estrogen gây phì đại tiền liệt tuyến.
Triệu chứng bệnh Phì đại tiền liệt tuyến
- Tiểu nhiều lần trong ngày nhất là về ban đêm gây mất ngủ, đột ngột buồn đi tiểu, không nhịn được tiểu quá vài phút.
- Tiểu khó, phải rặn mới đi tiểu được, tiểu ngắt quãng, tia tiểu yếu, đái xong vẫn còn vải giọt nước tiểu rỉ ra làm ướt quần.
- Tiểu xong không thoải mái vẫn còn cảm giác tiểu chưa hết.
- Khoảng cách giữa 2 lần đi tiểu ngắn lại.
- Bí đái: đột ngột không đi tiểu được mặc dù đã rặn hết sức gây căng tức vùng bụng dưới rất khó chịu phải nhập viện ngay.
Các triệu chứng phì đại tiền liệt tuyến như trên xuất hiện từ từ tăng dần có thể không tỉ lệ thuận với kích thước khối u, một số trường hợp triệu chứng kín đáo tuy nhiên kích thước khối u đã lớn vì vậy cần được khám phát hiện sớm
Đối tượng nguy cơ bệnh Phì đại tiền liệt tuyến
- Nam giới trên 50 tuổi
- Gia đình có người mắc phì đại tiền liệt tuyến
- Béo phì, ít luyện tập thể dục thể thao
- Chủng tộc: người da trắng và da đen có nguy cơ cao hơn
- Lối sống lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá chất kích thích, uống ít nước, ăn nhiều chất béo.
- Rối loạn chức năng cương dương
- Mắc các bệnh như đái tháo đường, bệnh tim, sử dụng thuốc chẹn beta
- Một số yếu tố khác: môi trường làm việc ô nhiễm, thường xuyên stress, từng mắc bệnh về đường tiết niệu,…
Phòng ngừa bệnh Phì đại tiền liệt tuyến
Nam giới từ 50 tuổi trở lên có triệu chứng về rối loạn tiểu tiện cần được khám đúng chuyên khoa và điều trị kịp thời.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Phì đại tiền liệt tuyến
- Thăm dò trực tràng: phát hiện khi tiền liệt tuyến to đáng kể, ước lượng kích thước tương đối của khối u
- Siêu âm: Đánh giá kích thước, khối lượng tiền liệt tuyến.
- Xét nghiệm PSA là chất chỉ thị ung thư. bình thường PSA nhỏ hơn 4ng/ml. Nếu PSA trên 10ng/ml thì khả năng bị ung thư hơn là u xơ
- Các xét nghiệm khác: Công thức máu, xét nghiệm nước tiểu nếu nghi ngờ có nhiễm khuẩn, sinh thiết nếu nghi ngờ ung thư.
Các biện pháp điều trị bệnh Phì đại tiền liệt tuyến
Điều trị nội khoa
Có thể điều trị phì đại tiền liệt tuyến bằng các thuốc: các nhóm thuốc này có tác dụng cải thiệu triệu chứng, chưa có thuốc nào được chứng minh làm nhỏ kích thước khối u.
Điều trị ngoại khoa
Phương pháp điều trị chủ yếu, điều trị nội khoa thất bại hoặc u gây biến chứng bao gồm: phẫu thuật mổ bóc u phì đại tiền liệt tuyến, cắt đốt nội soi qua niệu đạo. Ngoài ra còn có các phương pháp như: làm bốc hơi nước, mổ bằng laser, liệu pháp nhiệt vi sóng, tiêm ethanol.
Tại Vinmec đã áp dụng hầu hết các phương pháp trên, mang lại hiệu quả tốt cho người bệnh. Đặc biệt phẫu thuật nội soi bằng robot là giải pháp đột phá giúp người bệnh bị phì đại tiền liệt tuyến được chữa trị dứt điểm.
- Liệt tứ chi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Liệt mặt: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Liệt dây thần kinh số 6: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Liệt ruột: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Liệt cơ mở thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị