Rong kinh là thuật ngữ y học chỉ tình trạng chảy máu kéo dài bất thường trong thời kỳ kinh nguyệt, đây cũng được coi như biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt.
Nội dung
Tổng quan bệnh Rong kinh
Rong kinh là gì?
Rong kinh là hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ kéo dài trên một tuần và lượng máu mất đi vượt quá 80ml/ chu kỳ kinh nguyệt ( bình thường trong khoảng 50- 80ml / chu kỳ)
Rong kinh gặp rất nhiều ở phụ nữ, đặc biệt đối với phụ nữ đã có gia đình. Hiện tượng này rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của phụ nữ, gây ra các bệnh lý như thiếu máu, viêm nhiễm đường sinh dục, gây vô sinh,u xơ tử cung, gây cảm giác khó chịu cho người phụ nữ khi đến kỳ kinh nguyệt.
Nguyên nhân bệnh Rong kinh
Có hai nhóm nguyên nhân chính khiến cho phụ nữ bị rong kinh như sau:
Rong kinh cơ năng
Nguyên nhân chính do rối loạn nội tiết. Rong kinh cơ năng thường xuất hiện ở thời kỳ dậy
thì và thời kỳ tiền mãn kinh của phụ nữ, còn trong độ tuổi sinh sản thì rong kinh cơ năng thường xuất hiện sau khi sinh, dùng thuốc phá thai và thuốc tránh thai. Những phụ nữ có nguy cơ béo phì, sinh con nhiều lần, tăng kí, hút thuốc lá, sắp mãn kinh, đái tháo đường, suy giáp, rối loạn đông máu, viêm gan mạn, bệnh tim mạch, bệnh thận mãn tính, bệnh lupus đỏ… cũng có khả năng mắc rong kinh nhiều hơn.
Rong kinh thực thể
Nguyên nhân do một tổn thương thực thể ở tử cung hoặc buồng trứng. Các tổn thương đó có thể là:viêm nội mạc tử cung, ung thư nội mạc tử cung, đặc biệt là u xơ tử cung và polyp tử cung, các bệnh lý liên quan đến bào thai, các bệnh lý toàn thân như rối loạn đông máu, bướu giáp. Sử dụng các thuốc tránh thai, đặc biệt là thuốc tránh thai khẩn cấp cũng gây ra rong kinh.
Triệu chứng bệnh Rong kinh
Khi bị rong kinh, người phụ nữ sẽ có các biểu hiện sau:
- Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày
- Lượng máu bị mất đi trong chu kỳ kinh nguyệt vượt quá 80ml/chu kỳ.
- Xuất huyết nặng trong thời gian diễn ra chu kỳ kinh nguyệt, trên thực tế người phụ nữ phải thay băng vệ sinh liên tục mỗi giờ một lần, tiếp diễn trong nhiều giờ. Kinh nguyệt đặc biệt ra nhiều vào ban đêm.
- Đau bụng dưới.
- Máu kinh đóng thành cục lớn.
- Người phụ nữ bị rong kinh nếu kèm theo cường kinh trong thời gian dài có thể có các triệu chứng của thiếu máu như mệt mỏi, thở dốc…
Đối tượng nguy cơ bệnh Rong kinh
Những đối tượng khiến cho nguy cơ mắc bệnh rong kinh tăng lên bao gồm:
- Người phụ nữ vừa bắt đầu có kinh
- Người phụ nữ gần tới tuổi mãn kinh
- Bệnh nhân có polyp tử cung, u xơ tử cung, ung thu cổ tử cung, ung thư buồng trứng.
- Bệnh nhân có các bệnh như rối loạn đông máu, rối loạn xuất huyết di truyền.
- Bệnh nhân đang sử dụng thuốc kháng viêm chứa steroid.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Rong kinh
Để chẩn đoán chính xác rong kinh hay rong kinh, cần dựa vào
- Tiền sử bệnh nhân ( tiền sử tình dục, các bệnh lý phụ khoa, các bệnh nội khoa mãn tính…)
- Tiền sử sử dụng thuốc hoặc các hormon tránh thai.
- Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày và lượng máu bị mất vượt quá 80ml/ chu kỳ
- Các dấu hiệu nhược năng giáp, bệnh gan, tăng prolactin máu, các rối loạn ăn uống và rối loạn đông máu.
- Thiếu máu có thể xảy ra nếu bệnh nhân mất máu nhiều, biểu hiện lâm sàng: mệt mỏi, chóng mặt, cảm thấy yếu.
- Các tổn thương thực thể trên đường sinh dục nữ
Một số xét nghiệm có giá trị chẩn đoán như:
- Công thức máu
- Siêu âm
- Thử pap: phương pháp lấy mẫu nhỏ bề mặt cổ tử cung để kiểm tra.
- Sinh thiết nội mạc tử cung, nong nạo tử cung
- Soi ổ bụng
- Chụp tử cung vòi trứng
- Soi tử cung
Các biện pháp điều trị bệnh Rong kinh
Nguyên tắc điều trị rong kinh là điều trị theo nguyên nhân, làm ngưng tình trạng ra máu, tái thiết lập chu kỳ kinh nguyệt bình thường nếu người phụ nữ đang nằm trong tuổi sinh để, điều trị hỗ trợ, nâng cao thể trạng
Cụ thể, các phương pháp được sử dụng hiện nay để điều trị rong kinh là:
- Dùng thuốc: thuốc ngừa thai do bác sĩ chỉ định, thuốc bổ sung hormon, thuốc bổ sung sắt.
- Nếu sử dụng thuốc nhưng không đáp ứng điều trị, sẽ có chỉ định phẫu thuật: nong nạo tử cung và soi tử cung.
- Một số phương pháp điều trị rong kinh khác nhưng ít được áp dụng do biến chứng gây ra vô sinh rất cao như: cắt đốt nội mạc tử cung, nạo nội mạc tử cung, cắt bỏ tử cung và cổ tử cung. Nếu người phụ nữ lớn tuổi và không có nhu cầu sinh con có thể áp dụng các phương pháp trên
Ngoài ra, khi bị rong kinh, bệnh nhân cần có chế độ sinh hoạt hợp lý khoa học, ngủ nghỉ đúng giờ và tránh những vấn đề gây căng thẳng.
- Hội chứng tiền kinh nguyệt: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Bị tiểu đường khi mang thai sẽ dẫn đến những biến chứng nào?
- Các biến chứng thai sản mà mẹ bầu cần biết khi mang thai
- Rối loạn tiêu hóa ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Rối loạn thần kinh thực vật: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị