Ung thư tuyến tiền liệt thường là ung thư biểu mô tuyến. Triệu chứng thường vắng mặt cho đến khi khối u tăng trưởng gây tiểu máu và/hoặc đái khó kèm theo đau. Gợi ý chẩn đoán khi thăm trực tràng hoặc khi xét nghiệm PSA và chẩn đoán xác định bằng sinh thiết qua trực tràng dưới siêu âm. Sàng lọc vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Tiên lượng cho hầu hết bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt, đặc biệt ung thư cục bộ hoặc vùng (thường là trước khi có triệu chứng) là rất tốt; nhiều nam giới tử vong do nguyên nhân khác khi đang bị ung thư tiền liệt tuyến hơn là tử vong do bệnh này. Điều trị bằng phẫu thuật cắt tiền liệt tuyến, xạ trị, liệu pháp giảm nhẹ (ví dụ như liệu pháp hormon, xạ trị, hóa trị liệu), hoặc đối với nhiều bệnh nhân lớn tuổi và thậm chí là các đối tượng trẻ chọn lọc, cần giám sát chủ động.
Nội dung
- Tổng quan bệnh Ung thư tiền liệt tuyến
- Nguyên nhân bệnh Ung thư tiền liệt tuyến
- Triệu chứng bệnh Ung thư tiền liệt tuyến
- Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư tiền liệt tuyến
- Phòng ngừa bệnh Ung thư tiền liệt tuyến
- Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư tiền liệt tuyến
- Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư tiền liệt tuyến
Tổng quan bệnh Ung thư tiền liệt tuyến
Ung thư tiền liệt tuyến (ung thư tuyến tiền liệt) đứng thứ 12 trong các bệnh ung thư phổ biến thường gặp ở nam giới tại Việt Nam.
Cũng như các bệnh ung thư khác, ung thư tiền liệt tuyến không lây. Thời gian sống của bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến phụ thuộc lớn vào giai đoạn phát hiện. Nếu được phát hiện và điều trị sớm thì ung thư tiền liệt tuyến có thể đạt được tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới 100%.
Nguyên nhân bệnh Ung thư tiền liệt tuyến
Cho đến nay nguyên nhân ung thư tiền liệt tuyến vẫn chưa được kết luận chính xác. Tuy nhiên khả năng sàng lọc và phát hiện sớm bệnh đã được cải thiện nhờ vào xét nghiệm định lượng chất chỉ điểm ung thư PSA. Đây là kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt, với giá trị trên 10 ng/ml nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến lên đến 67%.
Triệu chứng bệnh Ung thư tiền liệt tuyến
Ung thư tiền liệt tuyến là bệnh không lây, phát triển chậm với những triệu chứng ở giai đoạn ban đầu khá mơ hồ, có thể khu trú tại vùng thấp đường tiết niệu do xâm lấn hoặc chèn ép của khối u như:
- Tiểu khó, tiểu rắt, bí tiểu
- Trong nước tiểu có máu
- Tiểu đêm
Hoặc những triệu chứng khác như:
- Cân nặng giảm
- Đau lưng, hông, đau vùng khung chậu
- Khó khăn trong việc duy trì cương cứng
- Táo bón mãn tính hoặc các vấn đề khác về đường ruột
Ở giai đoạn muộn và có di căn bệnh nhân sẽ có các triệu chứng tại các cơ quan khác của cơ thể như:
- Đau xương, gãy xương bệnh lý… trong di căn xương
- Yếu liệt chi dưới, liệt nửa người… do u di căn đốt sống làm chèn ép tủy sống gây nên các hội chứng thần kinh
- Những di căn ở não, phổi, dạ dày, gan, tuyến thượng thận hay xuất huyết tiêu hóa thường gặp trong giai đoạn muộn hơn
- Ngoài ra, hội chứng cận ung thư, hội chứng thiếu máu, đông vón nội mạc rải rác cũng cần lưu ý trong giai đoạn muộn của bệnh.
Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư tiền liệt tuyến
Ung thư tiền liệt tuyến được ước tính gặp ở 80% nam giới dưới 80 tuổi và thường gặp nhất ở độ tuổi trên 60.
Phòng ngừa bệnh Ung thư tiền liệt tuyến
Ung thư tiền liệt tuyến có thể phòng ngừa dựa vào một số biện pháp sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh ít thịt đỏ và bổ sung nhiều chất xơ
- Kiểm tra sức khỏe định kì để tầm soát nguy cơ ung thư, đặc biệt thông qua xét nghiệm PSA để phát hiện sớm bệnh ở giai đoạn đầu khi hầu như triệu chứng là chưa có
- Vận động, thể dục thể thao hợp lý
- Có một chế độ sinh hoạt khoa học và đều đặn
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư tiền liệt tuyến
- Ở giai đoạn sớm, chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến khá khó khăn vì hầu như không có triệu chứng. Chủ yếu bệnh được chẩn đoán dựa vào PSA cao trong lần khám bệnh định kỳ.
- Nếu có các triệu chứng thể hiện sự xâm lấn và chèn ép đường tiết niệu như đái khó, đái rắt, đái máu… hiếm gặp hơn, có thể tắc nghẽn ở trực tràng, cương đau dương vật hoặc xuất tinh ra máu thì thăm khám trực tràng sẽ là phương pháp có giá trị chẩn đoán cao.
- Khi thăm khám trực tràng sẽ giúp thầy thuốc phát hiện khối u cũng như đánh giá tuyến tiền liệt về mật độ, kích thước, đặc điểm rãnh giữa, mức độ xâm lấn xung quanh và cả tình trạng của thành trực tràng, sự hẹp lòng trực tràng.
- Ở giai đoạn muộn, biểu hiện triệu chứng rõ ràng nhưng đã có thể kèm di căn nên các triệu chứng không chỉ giúp chẩn đoán bệnh mà còn có thể giúp đánh giá tình trạng di căn ở các bộ phận khác của cơ thể đặc biệt là di căn xương.
- Sinh thiết tiền liệt tuyến
Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư tiền liệt tuyến
Xu hướng điều trị hiện nay của bệnh ung thư tiền liệt tuyến là cá nhân hóa việc điều trị, nghĩa là phương pháp điều trị sẽ được thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn của bệnh nhằm tối đa hóa việc điều trị.
Có một số phương pháp điều trị ung thư tiền liệt tuyến như sau:
- Phẫu thuật: Bệnh nhân sẽ được cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt, hai túi tinh cùng với nạo hạch vùng chậu hai bên. Phương pháp này có thể áp dụng khi khối u còn nằm khu trú ở trong tuyến tiền liệt (ứng với giai đoạn I hoặc II của bệnh).
- Điều trị nội tiết: Vì ung thư tuyến tiệt liệt nhạy với nội tiết tố nam nên việc cắt hai tinh hoàn của bệnh nhân hoặc dùng thuốc ức chế làm giảm nội tiết tố nam sẽ cắt nguồn cung cấp tiết tố nam giúp ngăn chặn khối u phát triển.
- Xạ trị: Là chiếu tia phóng xạ để diệt các tế bào ung thư: chiếu xạ từ ngoài gọi là xạ trị ngoài còn cấy các hạt phóng xạ vào trong long tuyến gọi là xạ trị trong.
- Hóa trị: Không phải là phương pháp điều trị tận gốc với ung thư tiền liệt tuyến mà được dùng trong giai đoạn kháng cắt tinh hoàn, nghĩa là điều trị nội tiết không còn đáp ứng nữa.
- Liệt mặt: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Liệt tứ chi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Liệt cơ mở thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Liệt ruột: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Liệt dây thần kinh số 6: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị