Ung thư tử cung đa số được phát hiện ở giai đoạn sớm của bệnh nhờ biểu hiện chảy máu âm đạo bất thường nên có thể được chữa khỏi được nhờ phẫu thuật.
Nội dung
Tổng quan bệnh Ung thư tử cung
Ung thư tử cung là gì? Ung thư tử cung ( còn gọi là ung thư niêm mạc tử cung) là các khối u phát triển từ niêm mạc tử cung. Hơn 80% bệnh nhân ung thư niêm mạc tử cung gặp ở người mãn kinh, trong đó có khoảng 95% có nguồn gốc từ biểu mô tuyến của nội mạc tử cung.
Ung thư tử cung đa số được phát hiện ở giai đoạn sớm của bệnh nhờ biểu hiện chảy máu âm đạo bất thường nên có thể được chữa khỏi được nhờ phẫu thuật.
Các giai đoạn lâm sàng của ung thư tử cung được phân loại theo FIGO gồm 4 giai đoạn:
Giai đoạn I:
- IA : tổn thương giới hạn ở niêm mạc tử cung (bề mặt)
- IB : tổn thương ăn sâu vào lớp cơ tử cung <50%
- IC : tổn thương ăn sâu vào lớp cơ tử cung >50%
Giai đoạn II:
- IIA: tổn thương lan vào ống cổ tử cung, chỉ ở niêm mạc
- IIB: tổn thương lan vào tổ chức đệm của ống cổ tử cung
Giai đoạn III:
- IIIA: tổn thương xâm nhiễm vào thanh mạc hay phần phụ hay tế bào phúc mạc dương tính
- IIIB: tổn thương di căn âm đạo
- IIIC: tổn thương di căn tiểu khung hay cạnh động mạch chủ
- Giai đoạn IV:
- IVA: tổn thương ung thư xâm nhiễm vào bàng quang hay ruột
- IVB: ung thư di căn xa bao gồm di căn hạch trong ổ bụng hay hạch bẹn
Nguyên nhân bệnh Ung thư tử cung
Nguyên nhân ung thư tử cung chưa được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên hơn 90% trường hợp xảy ra ở phụ nữ lớn hơn 50 với độ tuổi trung bình là 63 với các yếu tố nguy cơ như:
- Người béo phì: Người có chỉ số BMI > 30 có nguy cơ mắc ung thư tử cung cao gấp 3-4 lần so với người bình thường
- Tăng estrogen kéo dài: người chưa bao giờ mang thai, người mắc bệnh đa nang buồng trứng, người điều trị Tamoxifen kéo dài hoặc người có các chu kỳ kinh không phóng noãn.
- Bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường
- Người mãn kinh muộn (lớn hơn 55 tuổi)
- Người sử dụng estrogen đơn thuần kéo dài
- Khoảng 5% ung thư nội mạc tử cung có liên quan đến hội chứng Lynch type II (hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền không do polyp): bệnh nhân mắc hội chứng Lynch typ II có nguy cơ xuất hiện ung thư tử cung từ 30-60 %.
Triệu chứng bệnh Ung thư tử cung
Ung thư tử cung có triệu chứng gì? Khoảng 95% các trường hợp có biểu hiện ra máu âm đạo bất thường.
- Ra máu ở người đã mãn kinh là một dấu hiệu có giá trị, có khi ra máu trong thời kỳ tiền mãn kinh gây nhầm lẫn với những rối loạn của thời kỳ này.
- Ra máu thường kèm theo khí hư nhiều, hôi.
- Khám mỏ vịt: âm đạo có thể bình thường, hơi teo ở những người mãn kinh. Khí hư nhiều, nhầy loãng, hôi, có khi là mủ. Bệnh nhân thường đau và cảm giác nặng nề ở vùng hạ vị.
- Khám âm đạo bằng tay: tử cung thường có kích thước bình thường, có thể hơi to và mềm, phát hiện u xơ tử cung đi kèm trong một số trường hợp.
Sự lan tràn của ung thư niêm mạc tử cung: Ung thư niêm mạc tử cung không lan tràn nhanh bằng ung thư cổ tử cung, vì cơ tử cung là một hàng rào có tác dụng khá tốt.
- Lan tràn tại chỗ: Sự xâm lấn chậm vào lớp cơ tử cung là cách xâm lấn hay gặp nhất, làm cho tử cung to lên
- Lan tràn theo đường bạch huyết: 30- 40% ung thư lan tràn theo đường bạch huyết, ở thân tử cung tổ chức ung thư phát triển xuống eo tử cung rồi xuống đáy dây chằng rộng, đến hệ thống hạch chậu trong, chậu ngoài và xa hơn nữa.
- Lan theo đường dẫn tự nhiên (vòi tử cung: Các tế bào ung thư có thể đi theo vòi tử cung, tràn vào trong ổ phúc mạc.
- Lan tràn đến các tạng khác trong ổ bụng: hiếm gặp, có thể thấy di căn đến gan, phổi.
- Lan tràn theo đường tĩnh mạch: ít thấy.
Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư tử cung
- Tuổi: từ 50-70
- Không sinh đẻ hoặc đẻ ít
- Béo phì
- Đái tháo đường.
- Cao huyết áp.
- Bệnh lý ở tử cung: quá sản nội mạc tử cung.
- Mãn kinh muộn: sau 55 tuổi.
- Dùng estrogen đơn thuần, kéo dài.
- Tiền sử ung thư buồng trứng, ung thư vú và ung thư đại tràng.
Phòng ngừa bệnh Ung thư tử cung
- Tham khảo ý kiến bác sỹ về nguy cơ của liệu pháp hormon thay thế sau khi mãn kinh: Trừ trường hợp bệnh nhân đã cắt tử cung thì sử dụng hormon thay thế làm tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung. Sử dụng thuốc kết hợp giữa estrogen và progestin có thể làm giảm nguy cơ.
- Xem xét sử dụng thuốc tránh thai đường uống: sử dụng thuốc tránh thai đường uống ít nhất 1 năm có thể làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên thuốc cũng có các tác dụng phụ nhất định nên cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng
- Duy trì cân nặng lý tưởng: béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh nên duy trì cân nặng lý tưởng là cần thiết để giảm nguy cơ ung thư tử cung.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư tử cung
- Các biện pháp chẩn đoán ung thư tử cung bao gồm:
- Tế bào bệnh học: Bệnh phẩm là dịch hút từ buồng tử cung. Phương pháp dễ thực hiện, ít có biến chứng nhưng ung thư giai đoạn sớm có thể khó phát hiện.
- Chụp buồng tử cung: bơm thuốc cản quang với áp lực nhẹ đủ thuốc ngấm trong buồng tử cung có thể thấy hình ảnh khuyết, bờ không đều, nham nhở, buồng tử cung lớn, có hình ảnh đọng dịch.
- Soi buồng tử cung: quan sát trực tiếp hình ảnh nội mạc tử cung cũng như thương tổn một cách chính xác như nụ sùi, vùng loét hoại tử chảy máu, hoặc hình ảnh quá sản nội mạc tử cung chạm vào dễ chảy máu, xác định được độ lan rộng và giúp định vị vùng sinh thiết.
- Nạo sinh thiết toàn bộ tử cung: Sử dụng thìa nạo hoặc ống hút Novak. Kết quả sinh thiết giúp phân loại mô học.
- Siêu âm: đặc biệt siêu âm theo đường âm đạo cho hình ảnh thực thể của tử cung, nội mạc dày hoặc đánh giá độ lan tràn và bề dày lớp cơ. đồng thời siêu âm cũng giúp khảo sát các bệnh lý phối hợp như u xơ tử cung, u nang buồng trứng…
- Chụp cắt lớp vi tính: xác định mức độ xâm lấn và lan tràn của ung thư, nhất là ở các giai đoạn muộn.
- Cần phải đánh giá tình trạng ung thư tuyến khác có thể kèm theo như ung thư vú hoặc
Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư tử cung
Điều trị ung thư tử cung phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và thể trạng của bệnh nhân.
Phẫu thuật:
- Giai đoạn I, II: Bao gồm cắt bỏ tử cung toàn bộ và cắt buồng trứng, vòi trứng, có hoặc không vét hạch chậu hệ thống hoặc vét hạch chủ bụng. Vét hạch có vai trò trong chẩn đoán và điều trị bổ trợ bệnh.
- Giai đoạn III, IV: Phẫu thuật lấy u tối đa trong điều kiện bệnh nhân có toàn trạng tốt và có thể cắt bỏ được khối u.
Xạ trị: bao gồm xạ ngoài và xạ nguồn âm đạo. Xạ trị được chứng minh là giảm tỷ lệ tái phát tại chỗ trong ung thư nội mạc tử cung nhóm nguy cơ trung bình.
Hóa chất: Có thể được chỉ định trong trường hợp ung thư tử cung giai đoạn III, IV hoặc ung thư tử cung tái phát di căn.
- Ung thư âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Ung thư vú hiện đang phát hiện nhiều ở người trẻ vậy nguyên nhân là gì ?
- Ung thư âm hộ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Nhau tiền đạo: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Các biến chứng thai sản mà mẹ bầu cần biết khi mang thai